Người Trung Quốc đang tới.

The Diplomat

Người Trung Quốc đang tới!
Bài của Douglas H. Paal

Ngày 1 tháng 5-2011

Chuyện đang ồn ào về lực lượng quân sự Trung Hoa làm ta nhớ lại những nỗi sợ đối với nước Nga thời Chiến tranh Lạnh. Thế mà Hoa Kỳ lại chẳng có phản ứng gì quá đáng khi có những tin tức về con tày sân bay mới của Trung Quốc.

Năm 1966, Hollywood cho ra mắt một bộ phim hài về Chiến tranh Lạnh kể chuyện chiếc tàu ngầm Nga bị mắc cạn tại một thành phố nhỏ của bang New England. Phim hay và khéo léo chộp được đúng cái cơn điên vô lối của thời kỳ đó về những ý đồ quân sự của Liên Xô. Bộ phim tên là Người Nga kia kìa! Người Nga kia kìa! Tôi khuyên bạn nếu có thể thì hãy kiếm một cái đĩa sao phim đó mà coi.

Còn bây giờ, xin bạn hãy sẵn sàng xem chuyện mới về người Trung Quốc: không xem phim, mà xem cái cơn điên đã sống lại. Trung Quốc đang sắp sửa hạ thủy đưa vào hoạt động con tàu sân bay đầu tiên của họ, nghe đồn nó có tên Shi Lang, theo tên ông đô đốc đã chiếm được đảo Đài Loan hồi thế kỷ thứ 17. Đồn rằng trước đó nó có tên là Varyag khi con tàu đang đóng cho Hải quân Liên Xô, về sau thì cho Hải quân Ukraina, và đến năm 1998 thì vào tay Trung Quốc khi con tàu vẫn chưa đóng xong, mua đấu giá 20 triệu USD.

Vẫn chưa có các thiết bị điện tử và hệ thống đẩy, đồn rằng con tàu ban đầu định mua về để làm sòng bạc nổi ở Macao, nhưng sau một hành trình chuyên chở về từ Ukraina và đi vòng quanh châu Phi, nó dừng lại ở Đại Liên tại vùng Đông-Bắc trung Hoa, tại đây nó được đưa vào xưởng đóng và sửa chữa tàu và được sơn màu xám thành con tàu của Quân Giải phóng Nhân dân. Như vậy là, cùng với việc sơn phết cũng là việc lắp đặt cho nó phần điện tử và hệ thống đẩy còn chưa có.

Chính thức ra thì Trung Hoa không cởi mở về các ý đồ của họ đối với việc có tàu sân bay. Các nguồn tin Trung Hoa nói rằng có những cuộc thảo luận vô hồi kỳ trận về những mối nguy và mối lợi một khi có được một hoặc hai chiếc tàu sân bay. Về mối lợi, thì đó là uy tín và cái cảm giác đã “thành đạt” với tư cách một cường quốc. Thực dụng hơn nữa, trước khi quyết định tổng chi phí, phải tính toán đến việc nếu dùng thử một con tàu sân bay thì Quân Giải phóng nhân dân phải chi phí chính xác hơn là bao nhiêu, cách huấn luyện sẽ như thế nào, và những điều chỉnh cần thiết trong tác chiến sẽ là những gì. Một số người cho rằng tàu sân bay làm giảm khó khăn trong việc bảo vệ những đòi hỏi mở rông lãnh thổ Trung Hoa tại vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Về các mối nguy, một số người Trung Hoa lập luận rằng dùng các con tàu sân bay là không thông minh về mặt kinh tế hoặc về chiến lược trong một thời đại có những đe dọa cũ nhưng đã được nâng cao chống lại cách tác chiến với nhóm chiến hạm có tàu sân bay. Chưa kể là, khi đã có một nhóm tàu chiến có tàu sân bay sẽ càng tăng cường mối nghi ngại của các nước láng giềng đối với ý đồ hiếu chiến của Trung Quốc.

Hiện nay, rõ ràng là Trung Quốc đang dần dần đưa ra các tin tức chính thức trong các Tuyên bố và các bản tin nói rằng phe ủng hộ tàu sân bay đã thắng trong cuộc tranh luận (về chính sách này), ít ra thì cúng là thắng tạm thời. Bắc Kinh đã đưa tin nhỏ giọt và bóng gió rằng con tàu sân bay đang hoàn thành, có thể điều đó nằm ngoài mối quan tâm về các phản ứng của các nước láng giềng, kể cả việc các láng giềng cũng tăng cường trang bị quân sự chống lại mối đe dọa đã rành rành. Lý ra khôn ngoan hơn thì Bắc Kinh cũng nên thận trọng trong cả việc nói quá nhiều về sự phát triển của mình do có những thách thức vô cùng to lớn đặt ra cho Quân Giải phóng Nhân dân trong việc học cách sử dụng các tính năng của con tàu sân bay.

Các sĩ quan Hải quân cao cấp Hoa Kỳ và nhiều đồng nghiệp của họ trong Hải quân các nước châu Á coi tàu sân bay (của Trung Quốc) như là một mối đe dọa có thể dàn xếp được ngay cả khi Bắc Kinh đã biết cách triển khai tàu sân bay. Thật vậy, có những lời nói đùa cho rằng họ hy vọng Trung Quốc sẽ có năm nhóm tàu chiến có tàu sân bay và tiêu phí thêm tiền của lẽ ra có thể dồn cho những hệ thống khác ít mang tính chất đe dọa hơn. Tất cả bọn họ đều cho rằng trong năm nay họ đang theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của Trung Hoa thực thi kế hoạch tàu sân bay của mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Bloomberg, Đô đốc tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Robert Willard mới đây đã không coi tác động của tàu sân bay (Trung Hoa) như là hết sức “có tính biểu trưng”, nhưng ông thêm rằng, “dựa trên tin tức chúng tôi nhận được từ các đối tác và đồng minh ở vùng Thái Bình Dương, tôi nghĩ rằng sự thay đổi quan niệm trong vùng là rất quan trọng”.

Trong nhiều thập niên, các quốc gia trong vùng thân thiện với Hoa Kỳ và nghi ngại Trung Hoa vẫn coi các tàu sân bay Hoa Kỳ như là biểu trưng tin cậy của khả năng ngăn chặn hành vi hiếu chiến của Trung Hoa chống lại họ. Điều này càng được tăng cường vào năm 1996 khi cựu Tổng thống Bill Clinton triển khai hai nhóm tàu chiến vào vùng biển gần Đài Loan để phản ứng lại những cuộc “tập trận” có dùng tên lửa của Trung Hoa nhằm đe dọa Đài Bắc.

Nếu Bắc Kinh xem chừng như cuối cùng sẽ chọn dùng tàu sân bay tác chiến ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), là nơi Hoa Kỳ tuyên bố có vai trò bảo đảm tự do giao thương nhưng không phải là nước đòi hỏi lãnh thổ ở đó, thì một số quốc gia đang đòi hỏi lãnh thổ ở đây sẽ cảm thấy sức mạnh quân sự của Trung Hoa mạnh mẽ hơn nhiều so với các thế kỷ trước đây.

Tất cả những điều này cho thấy rằng Washington và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cần triển khai một chiến lược bảo đảm cho toàn vùng một khi Trung Hoa triển khai tàu sân bay của họ. Một yếu tố trong chiến lược này là sử dụng các diễn đàn công khai lắng nghe tường trình để cho thấy rõ rằng tàu sân bay của Trung Hoa có thể nhận những phản đòn đã có sẵn trong tay Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ tại đây. Một yếu tố thứ hai sẽ là nền ngoại giao đều kỳ và công khai kể cả ở cấp cao đồng thời với việc triển khai tập trận của Hoa Kỳ trong vùng.

Sự làm sống lại chính sách Á châu của chính quyền Obama là một cơ sở tốt và nó sẽ được tăng cường thêm nếu chính quyền Obama thành công trong việc thoát ra khỏi Iraq và Afghanistan và “cân bằng lại” một cách hữu hiệu sự chú ý của Mỹ trong vùng châu Á và Thái Bình Dương — một công việc vẫn đang được tiến hành.

Ta trông đợi Trung Hoa sẽ thận trọng như họ vẫn tỏ ra như vậy cho tới hiện nay khi họ công bố khả năng mới của mình trong hy vọng giảm thiểu chống đối và thu được sự đồng thuận về một thể chế mới cho Quân Giải phóng Nhân dân. Những cuộc mang tàu sân bay đi thăm viếng các bến cảng trong vùng và mời các nước trong vùng tới tham quan con tàu sân bay cuối cùng sẽ nâng cao vị thế một nước Trung Hoa cho tới nay vẫn nổi tiếng là cư xử tàn bạo với chính sách minh bạch về quân sự của họ.

Nhưng Bắc Kinh cũng vẫn thèm thuồng chuyện mang tàu sân bay của họ tới gần Việt Nam và có khi tới gần cả các nước khác nữa trong vùng nhằm gửi một thông điệp rắn tới những nước láng giềng vẫn cho rằng họ quá bé nhỏ để có thể ngang ngạnh với Trung Quốc. Ngược lại, những nước láng giềng này cũng sẽ có sự lựa chọn giữa việc họ nên liên kết sâu hơn “nông” hơn với Hoa Kỳ. Còn Washington thì có thể chọn lựa những quốc gia nào Mỹ muốn có liên kết sâu hơn.

Nói tất cả những điều đó để thấy là cuối cùng thì không nên phản ứng thái quá trước ý đồ của Trung Hoa mong muốn có được cái khả năng mà nhiều nước đã có trong tay, thậm chí là những khả năng chiến tranh đã cũ rồi. Song, đồng thời, cũng là điều cần thiết phải xử lý khoảng cách nhận thức về khả năng quốc phòng chuyên nghiệp giữa các nhà lãnh đạo và công chúng trong khi vẫn cứ phải suy nghĩ tính toán giữa nhiều khả năng để mà chọn lựa. Khi đó, có thể lại có một bộ phim ra đời chưa biết chừng.

Douglas H. Paal là phó chủ tích bộ phận phụ trách các công trình nghiên cứu của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace. Trước đó ông là phó chủ tịch tổ chức JPMorgan Chase International và là đại diện không chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Loan trong viện American Institute tại đây.

Người dịch: Đại Phúc

PHÁT HIỆN TÀI LIỆU ĐẶC BIỆT VỀ HOÀNG CẦM 53 NĂM TRƯỚC


Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ
Xóa cho ta hết những giờ thảm thương
(Hoàng Cầm)

Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:

Nhân ngày giỗ đầu nhà thơ Hoàng Cầm, (6.5.2010 – 6.5.2011) một người bạn của tôi vừa gửi đến Nguyễn Xuân Diện-Blog một tài liệu đặc biệt, liên quan đến Hoàng Cầm 53 năm trước.

Yêu thương và mến mộ Hoàng Cầm, chúng tôi quyết định đăng tải bài này, không phải để hờn giận mà là để yêu thương. Và để chúng ta cùng hiểu rằng, thời ấy – cái thời đau thương ấy – nó thế, thì nó thế đấy!

Mai Thanh Hiếu sưu tầm và giới thiệu:

Lời dẫn của Mai Thanh Hiếu:
Năm 29 tuổi, giữa cuộc kháng chiến, nhà thơ goá vợ Hoàng Cầm kết duyên với cô hàng xén Nguyễn Thị Xuyến. Sáu năm sau, khi hoà bình đã lập lại, nhà thơ xin ly hôn với “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng” ở “bên kia sông Đuống”[1] để chung sống, đúng hơn là tiếp tục chung sống với chị Hoàng Yến, một phụ nữ goá chồng, đã 6 mặt con, ở bên này Hà thành. Toà án đã bác đơn xin ly hôn của Hoàng Cầm. Đọc lại tư liệu về vụ xử đó, không phải để phán xét sự “phụ tình” và “truỵ lạc” như toà án và chính Hoàng Cầm tự phán xét cách đây 53 năm, và nhất là không phải để phán xét khi cái chết đã xóa cho ông “hết những giờ thảm thương”[2]. Đằng sau duyên nợ trần gian của ba thân phận Hoàng Cầm, Hoàng Yến và Nguyễn Thị Xuyến, qua tư liệu này, có thể thấy sự bắt đầu của quan niệm mới về mối liên quan giữa mặt riêng tư và mặt xã hội của hôn nhân; thấy sự khuất phục của nguyên đơn trước toà án đã sẵn ấn tượng về “một phần tử trong nhóm nhân văn”, khuất phục ngay trước khi tuyên án, bởi những chứng cứ bằng thơ, bằng thư, bằng lời tự kiểm thảo, có thể chỉ là gán ghép[3], là những “vận vào khó nghe”[4] nhưng trong không khí đấu tố nặng nề lúc bấy giờ thì không thể chối cãi; thấy vai trò của hai người đàn bà cùng đi một quãng đường với Hoàng Cầm trong cõi nhân gian và thấy bi kịch đời Hoàng Cầm là hệ luỵ, là trả giá đớn đau cho tự do thơ và tình không được thế thời chấp nhận.

Ảnh chụp trang đầu của bài: Bác đơn xin ly hôn…

Dưới đây là bài trên nội san Tư pháp số 5 năm 1958:

BÁC ĐƠN XIN LY HÔN
VỤ HOÀNG CẦM

(MỘT PHẦN TỬ TRONG NHÓM NHÂN VĂN PHỤ TÌNH

XIN LY DỊ VỢ CHÍNH THỨC ĐỂ ĂN Ở VỚI NHÂN TÌNH)

I.Nội dung vụ kiện và đường lối xét xử

Bùi Hoàng Cầm goá vợ, có 2 con, kết hôn với chị Nguyễn Thị Xuyến năm 1951 ở Thái Nguyên. Sau khi kết hôn, chị Xuyến làm nghề buôn hàng xén, vẫn ở Thái Nguyên, nuôi 2 con và chăm nom bố mẹ Hoàng Cầm, còn Hoàng Cầm thì ở trong quân đội. Tháng tháng, chị Xuyến đến đơn vị thăm và tiếp tế cho chồng. Hoàng Cầm thỉnh thoảng cũng có về thăm chị Xuyến. Ngoài ra, hai bên thường gửi thư từ cho nhau. Trong thời gian từ ngày lấy nhau cho đến khi hoà bình được lập lại, giữa hai người không có hiện tượng gì tỏ ra có mâu thuẫn với nhau; trái lại, qua các bức thư Hoàng Cầm gửi cho chị Xuyến thì tình cảm giữa hai người rất tốt.

Từ ngày hoà bình được lập lại, Hoàng Cầm về Hà Nội, còn chị Xuyến vẫn ở Thái Nguyên. Năm 1955, Hoàng Cầm viết thư cho chị Xuyến tỏ ý định cắt đứt với chị rồi sau đó thì đến ăn ở với chị Hoàng Yến, goá chồng, đã có 6 con. Hiện nay Hoàng Cầm đã có một con với chị Hoàng Yến.

Tại đơn khởi tố ngày 26-4-1957, Hoàng Cầm xin ly dị chị Xuyến lấy lý do khi lấy chị Xuyến là do cha mẹ ép, không có tình thương yêu thực sự, chính cuộc tình duyên của anh hiện nay với chị Hoàng Yến mới thực là chung tình.

Chị Xuyến không thuận tình ly hôn và xin xử Hoàng Cầm phải cắt đứt với chị Hoàng Yến.

Tại án số 564 ngày 27-5-1958, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử:

1) Bác đơn xin ly dị của Hoàng Cầm.
2) Tuyên bố Hoàng Cầm và Hoàng Yến không phải là vợ chồng chính thức trước pháp luật; cải chính sổ hộ khẩu đã ghi nhầm Hoàng Cầm là chồng Hoàng Yến.

II. Nhận xét

Cơ sở một cuộc hôn nhân vững bền là cảm tình giữa hai vợ chồng hay nói một cách khác tình yêu của hai vợ chồng. Khi lấy nhau do cha mẹ ép buộc, không thương yêu nhau thực sự, rồi sau khi lấy nhau, cảm tình không xây dựng được; hoặc khi lấy nhau do hai bên tự nguyện, nhưng sau khi lấy nhau, cảm tình bị tan rã; tức là khi cảm tình không có hoặc cảm tình bị tan rã thì cuộc hôn nhân phải tan rã. Toà án xử ly hôn chỉ là công nhận sự tan rã của gia đình như Engels đã nói trong quyển luận về nguồn gốc gia đình và quyền tư hữu tài sản.

Nếu cảm tình giữa hai vợ chồng không còn nữa, gia đình đã tan rã, toà án không cho ly hôn là cưỡng ép, trái với nguyên tắc tự do kết hôn và tự do ly hôn đã được nêu ra trong tờ trình lên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà dự án Sắc lệnh về ly hôn đã được ban bố ngày 17-11-1950.

Khi xử lý các vụ kiện xin ly hôn ngoài các nguyên tắc kể trên, toà án lại còn phải có một quan niệm chính xác thế nào là cảm tình tức là tình yêu giữa hai vợ chồng?

Tình yêu giữa hai vợ chồng phải dựa trên một luyến ái quan lành mạnh. Trong việc đôi trai gái thương yêu nhau rồi lấy nhau, dĩ nhiên có vấn đề tính tình, tài sắc, nhưng hai người lấy nhau phải nhằm mục đích xây dựng gia đình để chung sức mới, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội. Đó là yếu tố lý tưởng của tình yêu, cũng không kém phần quan trọng.

Trong chế độ ta không thể quan niệm lối cảm tình ích kỷ, cá nhân, lãng mạn, yêu để yêu, yêu rồi sống tách rời ra khỏi xã hội cũng được, miễn yêu nhau là đủ. Một quan niệm như thế đi đến những cuộc yêu đương truỵ lạc, gian dâm, phá hoại gia đình. Yêu nhau không dựa trên một lý tưởng nào thì với thời gian trôi qua, yếu tố tình dục không còn nữa; đâm chán ghét nhau, gia đình sớm đi đến tan rã.

Trên đây là tóm tắt một vài nét về đường lối xét xử các vụ kiện ly hôn. Áp dụng đường lối này vào vụ Hoàng Cầm kiện xin ly dị chị Xuyến, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã đi sâu xét các vấn đề sau đây: cuộc hôn nhân giữa Hoàng Cầm và chị Xuyến có phải là cưỡng ép không? Giữa hai người có tình thương yêu thực sự không? Tình thương yêu đó đã tan rã chưa?

Khi lấy chị Xuyến thì Hoàng Cầm 29 tuổi, đã trải qua một đời vợ và đã có 2 con, tức là người đã từng trải, hai người cũng đã tìm hiểu nhau rồi mới lấy nhau. Không thể nói rằng cuộc hôn nhân của hai người là một cuộc hôn nhân phong kiến, do cha mẹ ép buộc. Huống nữa, cuộc hôn nhân ấy cũng phù hợp với ước vọng của Hoàng Cầm đã từng ca ngợi trong thi ca của anh “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng” bên kia sông Đuống, trong khung cảnh kháng chiến trường kỳ.

Sau khi kết hôn, chị Xuyến một lòng một dạ chăm nom chồng, ngày đêm vất vả tần tảo nuôi bố mẹ chồng và hai con riêng của chồng ăn học để chồng yên tâm công tác trong quân đội.

Trên cơ sở cùng chung một lý tưởng và cùng chung sức đấu tranh cách mạng, tình yêu của Hoàng Cầm với chị Xuyến cũng thắm thiết thể hiện ra trong các bức thư gửi cho chị có những câu đầy yêu đương: “nhớ em lắm, không về được, cố lên chơi nhé…” hoặc: “đúng ngày ấy em lên, không thì ngày sau, cô Nga bán nhà, hết chỗ hò hẹn!…”.

Đó là những bằng chứng tỏ rõ cuộc hôn nhân giữa Hoàng Cầm và chị Xuyến là một cuộc hôn nhân tự nguyện, hai người đã thương yêu nhau thực sự, nên cuộc hôn nhân ấy đã đem lại hạnh phúc cho cả hai người.

Nhưng tình yêu giữa hai người hiện nay đã tan rã chưa?

Đây là điểm quyết định của bản án.

Sau ngày hoà bình được lập lại, về thủ đô, Hoàng Cầm đã viết thư cắt đứt với chị Xuyến rồi đến công nhiên ăn ở, sống chung với chị Hoàng Yến.

Trong bản tự kiểm thảo đăng trong Tạp chí Văn nghệ số 12-1958, Hoàng Cầm đã tự nói ra: “Từ một người trông có vẻ hiền lành, “nho nhã”, kéo lê một cái xác thịt hưởng lạc, hiếu danh, hiếu sắc, thèm tiền… tôi đã chóng biến thành một con rắn độc…”.

“… Cái trái tim ai oán, lâm ly của tôi, cái trái tim lầy lụa, đã không còn mảy may rung động trước bất cứ một cái gì sáng sủa trong lành, không còn rung động vì lý tưởng nào hết, mà chỉ còn gợn lên mùi bùn đen của tình yêu suy đồi…”.

Như vậy không ai có thể phủ nhận rằng chính trên cơ sở tư tưởng truỵ lạc, phù phiếm đó mà Hoàng Cầm đã dan díu với chị Hoàng Yến rồi viết thư cắt đứt với chị Xuyến.

Hoàng Cầm nói trong đơn khởi tố cuộc tình duyên với chị Xuyến trước kia là ép buộc, hoàn toàn giả tạo và sự gian díu với chị Hoàng Yến ngày nay mới là chân tình chỉ là một luận điệu tự dối mình để đi sâu vào con đường sa đoạ, truỵ lạc. Trước phiên toà, chính Hoàng Cầm đã khai trái lại và cũng công nhận các hành động của anh như viết thư cắt đứt với chị Xuyến, đến ăn ở với chị Hoàng Yến là do các tư tưởng truỵ lạc chi phối; anh cũng tự xét cần phải bỏ các tư tưởng xấu ấy.

Trong con người Hoàng Cầm hiện nay có trạng thái: về lý trí, vẫn công nhận chị Xuyến là người vợ cùng một lý tưởng, về cảm tính thì lại yêu chị Hoàng Yến, biết rằng việc yêu đó là do tư tưởng xấu chi phối, nói một cách khác biết rằng yêu chị Hoàng Yến là sai lầm.

Trước trạng thái đó, không thể nói rằng tình yêu giữa Hoàng Cầm và chị Xuyến đã tan rã.

Tình yêu lành mạnh phải thống nhất lý trí với cảm tình. Trong tình yêu giữa Hoàng Cầm và chị Xuyến hiện tại, về phần cảm tình có thiếu, nhưng đó là sai lầm nhất thời, do tư tưởng xấu chi phối. Nếu không kể đến phần lý trí mà nhận định tình yêu chỉ đơn thuần về mặt cảm tình rồi cho là tình yêu đã tan rã mà cho ly hôn là thúc đầy Hoàng Cầm đi sâu vào con đường truỵ lạc, không tạo điều kiện cho anh cải tạo tư tưởng, cứu vãn lại con người lành mạnh đã được cuộc kháng chiến trường kỳ rèn đúc nên.

Nói tóm lại, toà án xử bác đơn ly hôn của Hoàng Cầm không phải là cưỡng ép về tình cảm hay về tình yêu mà chính là sát với thực tế diễn biến tư tưởng của Hoàng Cầm cần phải uốn nắn lại.

III. Kết luận

Đi sâu phân tích vụ án Hoàng Cầm xin ly dị chị Xuyến có thể rút ra mấy nhận xét sau đây:

1) Trên quan niệm mới về đường lối xét xử các vụ kiện ly hôn không cho hay cho ly là căn cứ vào tình yêu giữa hai vợ chồng còn nữa hay không còn nữa thì cần phải có một nhận thức đúng đắn thế nào là tình yêu giữa hai vợ chồng mới tránh được cho ly hôn bừa bãi.

2) Nguyên tắc tự do kết hôn và tự do ly hôn đề ra trong Tờ trình về Dự án Sắc lệnh số 159 ngày 17-11-50 nhằm mục đích củng cố gia đình trên cơ sở tình yêu chân thực giữa hai vợ chồng. Để đạt được mục đích này, các án kiện về ly hôn nhằm bài trừ các cuộc hôn nhân phong kiến cưỡng ép, nhưng cũng đồng thời nhằm ngăn chặn, uốn nắn các tư tưởng truỵ lạc làm cho cảm tình con người không phát triển được lành mạnh và đi đến phá hoại hạnh phúc gia đình. Đường lối xét xử như thế không phải là gò ép mà chính là sát với thực tế phát triển của tư tưởng và tình cảm lành mạnh của con người.

Nguyễn Xuân Dương
Nội san Tư pháp số 5/1958, tr. 38-40.

——————————————————————————–

[1] “Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa thu toả nắng” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

[2] “Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ / Xóa cho ta hết những giờ thảm thương” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

[3] Trong tư liệu có ý gán ghép hình ảnh “cô hàng xén răng đen” trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm với bà Nguyễn Thị Xuyến – người vợ thứ hai của ông.

[4] “Một lời là một vận vào khó nghe” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
___________

Mời chư vị đọc thêm một số bài về thi sĩ Hoàng Cầm:

Nhớ lại đêm Ả đào mừng sinh nhật thi sĩ Hoàng Cầm

Đã trăm ngày Hoàng Cầm về Miền Kinh Bắc