MỖI THÁNG THÊM MỘT LẦN BƠM XE

(Thethaovanhoa.vn) – Không hề gây ồn ào, cuối tuần qua, Thông tư về phí sử dụng đường bộ đã được Bộ Tài chính ban hành, với mức thu “mềm” hơn rất nhiều so với Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ Giao thông vận tải hăm hở đề xuất hồi đầu năm. Tính ra phí đường bộ cho một chiếc xe máy chỉ xấp xỉ 5.000 đồng/tháng. Xin nhắc lại chỉ 5.000 đồng thôi, mức này khiến tôi nghĩ đến giá bơm một bánh xe. Hiểu một cách đơn giản thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải tiết kiệm một lần bơm bánh xe là đóng được phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thu được 5.000 đồng con con này cũng dễ dàng, nếu ta không hiểu được “văn hóa xe máy” của nước mình.

Trong mọi sự tự do trong xã hội hiện đại, tôi nghĩ những người đi xe máy ở ta là tự do gần như tuyệt đối. Trừ việc thỉnh thoảng phải tạt vào cây xăng ra (đương nhiên rồi, chẳng có cỗ máy nào mà chạy được bằng nước lã), người đi xe máy chẳng phải phụ thuộc vào ai, chẳng phải mất thêm gì nữa. Muốn đi đến đâu, đi vào giờ nào, thậm chí đi theo cách nào (đi trên đường hay leo lên vỉa hè, hay vác xe qua dải phân cách)… thì tùy.

Xe máy nhiều đến mức, các chú công an nhìn thấy đã “nản” nhất là vào lúc tắc đường, nên rất nhiều khi phẩy tay cho qua. Còn khi thủng săm, thủng lốp thì xe máy có thể dắt bộ, không phải gọi cứu hộ như ô-tô. Trước đây, đường cao tốc thu phí tất cả các loại xe, giờ thì gặp trạm thu phí, xe máy cứ điềm nhiên chạy thẳng, không mất một đồng phí nào… Ô-tô đến hạn phải đăng kiểm, trong khi đó xe máy thì cứ đi đến khi nào… gục giữa đường thì thôi.


Chiếc xe máy này có còn phải nộp phí sử dụng đường bộ?


Nhìn con số thống kê “nửa vời” của cơ quan chức năng rằng Việt Nam có khoảng 35 triệu xe máy, tôi mới thấy rằng, thứ phương tiện này đã bị thả nổi đến mức, người ta không còn biết chính xác, chúng đã “sinh sôi” như thế nào. Tất cả đều còn sống hay đã chết, hay một phần đã bị hoán cải? Có bao nhiêu chiếc xe Tàu đã gục xuống thành đống sắt vụn (mà ta rất hay bắt gặp trên đường, người ta chở trên xe nguyên vẹn cả một chiếc xe đồng nát). Và bây giờ là một cơ hội vàng tổng điều tra, kiểm kê “dân số” xe máy: Thu phí sử dụng đường bộ!

Như đã nói, mức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy là rất thấp. Mức 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. Theo mức thấp nhất (50.000 đồng/năm) chia cho 12 tháng thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải đóng chưa tới 5.000 đồng. Nhưng làm thế nào thu được phí xe máy, khi mà, đến tổng dân số xe máy trên toàn quốc còn chưa “đếm” được?

Theo thông tư, chủ xe máy nộp phí tại UBND xã phường, có thể hiểu nôm na là chính quyền xã, thay vì phải cử cán bộ đi thu tiền vệ sinh, tiền đèn đường, tiền quyên góp, ủng hộ từ thiện…, thì sẽ có thêm nhiệm vụ đi “đếm” xe máy của từng hộ gia đình (thường trú hoặc tạm trú) và đến thu trực tiếp tại nhà hoặc mời ra UBND xã đóng phí, sau đó xuất biên lai thu phí hoặc cấp giấy chứng nhận. Cán bộ xã, thôn là những người nắm rất rõ địa bàn (đi từng nhà, rà từng ngõ) thì chẳng những nhà người ta có mấy xe máy, mà đến nuôi mấy con chó, con mèo cũng có thể biết rất rõ, chẳng ai có thể trốn được. Cách đó là khả thi.

Chỉ có điều, như đã nói, chiếc xe máy ở Việt Nam vốn đã mất gia phả từ lâu (40% phương tiện giao thông hiện nay, chủ yếu xe máy, là không chính chủ, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Điều đó có nghĩa là cán bộ xã, phường, thôn có thể biết rõ những người đang sử dụng xe máy, nhưng lại không thể khẳng định ai là chủ xe (trên giấy tờ). Trong khi đó, cơ quan quản lý cấp trung ương lại không thể biết chính xác sự “phân bổ” lượng xe máy thực tế trong xã hội (chỉ quản lý được ở trên giấy tờ đăng ký). Điều đó có nghĩa là thu phí được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của cán bộ xã, phường.

Có lẽ lường trước được tình trạng thất thu phí này, cho nên mặc dù tính toán cả nước có 35 triệu xe máy, nhưng Bộ Giao thông vận tải tính toán số tiền thu được từ 50% số mô-tô, xe máy đã đăng ký, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Tại sao là 50% mà không phải 75% hay chỉ đạt 25%? Tôi cho rằng đây sẽ là một phép thử tuyệt vời để đo đếm khả năng quản lý xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thật ra, với mức phí 5.000 đồng/tháng thì cũng ít thành phần có thái độ chây ì. Nhưng vì đã thu phí là thu cả nửa năm hoặc một năm, tức là số tiền cũng lên tới trên dưới trăm ngàn một lần, cũng không phải là dễ dàng để người ta móc túi đóng ngay, nhất là khi chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện ở các vùng nông thôn hay ven đô: Đóng phí vệ sinh, phí thắp sáng đèn đường có 3.000 đồng – 5.000 đồng/tháng mà cũng cãi nhau ỏm tỏi. Ban đầu, thấy nhà ai cãi nhau với người thu phí chỉ vì mấy ngàn đồng lẻ, tôi rất “khinh”, nhưng khi tìm hiểu mới thấy rằng, người nông dân vốn không sẵn tiền mặt (để có 1.000 đồng tức là họ phải bán 1 củ su hào, mà bạn biết họ chăm bao lâu mới được một củ không?), thứ hai là trong một tháng, họ không chỉ đóng có một khoản phí đó. Còn hàng chục, hàng trăm thứ chi phí đổ vào mảnh ruộng, mảnh vườn của họ (góp gió thành bão), nên của đau con xót, rất dễ nảy sinh ra tâm lý so bì, tị nạnh tranh cãi (kiểu như thằng cháu nhà tôi chưa biết đi, nó có ra đường bao giờ mà bắt nó đóng phí thắp sáng đèn đường,…).

Cho nên tôi đồ rằng, thu được phí sử dụng đường bộ đối với người đi xe máy ở nông thôn không dễ.

Cái khó nữa là chế tài. Thực ra cán bộ xã phường sẽ không có cơ sở để phạt người đi xe máy không chịu đóng phí (họ cứ khất lần “đến vụ em trả” thì cũng thua họ). Còn lực lượng CSGT, cũng khó có cơ sở để dừng lại một chiếc xe máy đi đứng đúng luật chỉ để hỏi xem đã đóng phí hay chưa?

Một kinh nghiệm đã cho thấy rất rõ: Thực ra, theo quy định đầy đủ của pháp luật nước ta, những chiếc xe máy không phải đã mất hết gia phả. Định kỳ hàng năm, người sử dụng xe máy phải “trình diện” tại các điểm bán bảo hiểm xe máy để mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Nhưng tôi tin rằng, số người đi xe máy cũng rất ít biết đến loại bảo hiểm này. Chỉ trong lần mua xe mới, bắt buộc phải mua thứ bảo hiểm này mới đủ điều kiện để được đăng ký xe và cấp biển số thì họ mới mua thôi. Thỉnh thoảng bị công an bắt, bị lập biên bản và không xin xỏ được, thì họ thà đi nộp phạt lỗi không mua bảo hiểm còn hơn là phải mất số tiền để mua thứ bảo hiểm đó.

Nếu tổ chức không khéo thì phí sử dụng đường bộ cũng rơi vào tình trạng như Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới, ở chỗ, người đi xe máy thà bị phạt chứ không chịu đóng góp.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

MỖI THÁNG THÊM MỘT LẦN BƠM XE

(Thethaovanhoa.vn) – Không hề gây ồn ào, cuối tuần qua, Thông tư về phí sử dụng đường bộ đã được Bộ Tài chính ban hành, với mức thu “mềm” hơn rất nhiều so với Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ Giao thông vận tải hăm hở đề xuất hồi đầu năm. Tính ra phí đường bộ cho một chiếc xe máy chỉ xấp xỉ 5.000 đồng/tháng. Xin nhắc lại chỉ 5.000 đồng thôi, mức này khiến tôi nghĩ đến giá bơm một bánh xe. Hiểu một cách đơn giản thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải tiết kiệm một lần bơm bánh xe là đóng được phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thu được 5.000 đồng con con này cũng dễ dàng, nếu ta không hiểu được “văn hóa xe máy” của nước mình.

Trong mọi sự tự do trong xã hội hiện đại, tôi nghĩ những người đi xe máy ở ta là tự do gần như tuyệt đối. Trừ việc thỉnh thoảng phải tạt vào cây xăng ra (đương nhiên rồi, chẳng có cỗ máy nào mà chạy được bằng nước lã), người đi xe máy chẳng phải phụ thuộc vào ai, chẳng phải mất thêm gì nữa. Muốn đi đến đâu, đi vào giờ nào, thậm chí đi theo cách nào (đi trên đường hay leo lên vỉa hè, hay vác xe qua dải phân cách)… thì tùy.

Xe máy nhiều đến mức, các chú công an nhìn thấy đã “nản” nhất là vào lúc tắc đường, nên rất nhiều khi phẩy tay cho qua. Còn khi thủng săm, thủng lốp thì xe máy có thể dắt bộ, không phải gọi cứu hộ như ô-tô. Trước đây, đường cao tốc thu phí tất cả các loại xe, giờ thì gặp trạm thu phí, xe máy cứ điềm nhiên chạy thẳng, không mất một đồng phí nào… Ô-tô đến hạn phải đăng kiểm, trong khi đó xe máy thì cứ đi đến khi nào… gục giữa đường thì thôi.


Chiếc xe máy này có còn phải nộp phí sử dụng đường bộ?


Nhìn con số thống kê “nửa vời” của cơ quan chức năng rằng Việt Nam có khoảng 35 triệu xe máy, tôi mới thấy rằng, thứ phương tiện này đã bị thả nổi đến mức, người ta không còn biết chính xác, chúng đã “sinh sôi” như thế nào. Tất cả đều còn sống hay đã chết, hay một phần đã bị hoán cải? Có bao nhiêu chiếc xe Tàu đã gục xuống thành đống sắt vụn (mà ta rất hay bắt gặp trên đường, người ta chở trên xe nguyên vẹn cả một chiếc xe đồng nát). Và bây giờ là một cơ hội vàng tổng điều tra, kiểm kê “dân số” xe máy: Thu phí sử dụng đường bộ!

Như đã nói, mức thu phí sử dụng đường bộ với xe máy là rất thấp. Mức 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. Theo mức thấp nhất (50.000 đồng/năm) chia cho 12 tháng thì mỗi tháng người đi xe máy chỉ phải đóng chưa tới 5.000 đồng. Nhưng làm thế nào thu được phí xe máy, khi mà, đến tổng dân số xe máy trên toàn quốc còn chưa “đếm” được?

Theo thông tư, chủ xe máy nộp phí tại UBND xã phường, có thể hiểu nôm na là chính quyền xã, thay vì phải cử cán bộ đi thu tiền vệ sinh, tiền đèn đường, tiền quyên góp, ủng hộ từ thiện…, thì sẽ có thêm nhiệm vụ đi “đếm” xe máy của từng hộ gia đình (thường trú hoặc tạm trú) và đến thu trực tiếp tại nhà hoặc mời ra UBND xã đóng phí, sau đó xuất biên lai thu phí hoặc cấp giấy chứng nhận. Cán bộ xã, thôn là những người nắm rất rõ địa bàn (đi từng nhà, rà từng ngõ) thì chẳng những nhà người ta có mấy xe máy, mà đến nuôi mấy con chó, con mèo cũng có thể biết rất rõ, chẳng ai có thể trốn được. Cách đó là khả thi.

Chỉ có điều, như đã nói, chiếc xe máy ở Việt Nam vốn đã mất gia phả từ lâu (40% phương tiện giao thông hiện nay, chủ yếu xe máy, là không chính chủ, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Điều đó có nghĩa là cán bộ xã, phường, thôn có thể biết rõ những người đang sử dụng xe máy, nhưng lại không thể khẳng định ai là chủ xe (trên giấy tờ). Trong khi đó, cơ quan quản lý cấp trung ương lại không thể biết chính xác sự “phân bổ” lượng xe máy thực tế trong xã hội (chỉ quản lý được ở trên giấy tờ đăng ký). Điều đó có nghĩa là thu phí được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của cán bộ xã, phường.

Có lẽ lường trước được tình trạng thất thu phí này, cho nên mặc dù tính toán cả nước có 35 triệu xe máy, nhưng Bộ Giao thông vận tải tính toán số tiền thu được từ 50% số mô-tô, xe máy đã đăng ký, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Tại sao là 50% mà không phải 75% hay chỉ đạt 25%? Tôi cho rằng đây sẽ là một phép thử tuyệt vời để đo đếm khả năng quản lý xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thật ra, với mức phí 5.000 đồng/tháng thì cũng ít thành phần có thái độ chây ì. Nhưng vì đã thu phí là thu cả nửa năm hoặc một năm, tức là số tiền cũng lên tới trên dưới trăm ngàn một lần, cũng không phải là dễ dàng để người ta móc túi đóng ngay, nhất là khi chúng ta thường bắt gặp những câu chuyện ở các vùng nông thôn hay ven đô: Đóng phí vệ sinh, phí thắp sáng đèn đường có 3.000 đồng – 5.000 đồng/tháng mà cũng cãi nhau ỏm tỏi. Ban đầu, thấy nhà ai cãi nhau với người thu phí chỉ vì mấy ngàn đồng lẻ, tôi rất “khinh”, nhưng khi tìm hiểu mới thấy rằng, người nông dân vốn không sẵn tiền mặt (để có 1.000 đồng tức là họ phải bán 1 củ su hào, mà bạn biết họ chăm bao lâu mới được một củ không?), thứ hai là trong một tháng, họ không chỉ đóng có một khoản phí đó. Còn hàng chục, hàng trăm thứ chi phí đổ vào mảnh ruộng, mảnh vườn của họ (góp gió thành bão), nên của đau con xót, rất dễ nảy sinh ra tâm lý so bì, tị nạnh tranh cãi (kiểu như thằng cháu nhà tôi chưa biết đi, nó có ra đường bao giờ mà bắt nó đóng phí thắp sáng đèn đường,…).

Cho nên tôi đồ rằng, thu được phí sử dụng đường bộ đối với người đi xe máy ở nông thôn không dễ.

Cái khó nữa là chế tài. Thực ra cán bộ xã phường sẽ không có cơ sở để phạt người đi xe máy không chịu đóng phí (họ cứ khất lần “đến vụ em trả” thì cũng thua họ). Còn lực lượng CSGT, cũng khó có cơ sở để dừng lại một chiếc xe máy đi đứng đúng luật chỉ để hỏi xem đã đóng phí hay chưa?

Một kinh nghiệm đã cho thấy rất rõ: Thực ra, theo quy định đầy đủ của pháp luật nước ta, những chiếc xe máy không phải đã mất hết gia phả. Định kỳ hàng năm, người sử dụng xe máy phải “trình diện” tại các điểm bán bảo hiểm xe máy để mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Nhưng tôi tin rằng, số người đi xe máy cũng rất ít biết đến loại bảo hiểm này. Chỉ trong lần mua xe mới, bắt buộc phải mua thứ bảo hiểm này mới đủ điều kiện để được đăng ký xe và cấp biển số thì họ mới mua thôi. Thỉnh thoảng bị công an bắt, bị lập biên bản và không xin xỏ được, thì họ thà đi nộp phạt lỗi không mua bảo hiểm còn hơn là phải mất số tiền để mua thứ bảo hiểm đó.

Nếu tổ chức không khéo thì phí sử dụng đường bộ cũng rơi vào tình trạng như Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới, ở chỗ, người đi xe máy thà bị phạt chứ không chịu đóng góp.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

MỜI ÔNG ĐINH LA THẮNG XUỐNG ĐƯỜNG… KHÓC CÙNG DÂN

Kính thưa Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng!

Tôi là Yến Hoàng, một công dân gương mẫu tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ và rất kính phục Bộ trưởng!
Thưa Bộ trưởng, không hiểu mỗi sáng thức dậy, nghe bản tin sáng lúc 6h trên truyền hình, ông cảm giác thế nào? Còn tôi… cứ gai hết cả người vì hầu như ngày nào cũng có tai nạn, khi thì ô tô, lúc tai nạn tàu hỏa, rồi đắm đò… Chỉ trong tháng 9 mà có gần 7.000 người chết vì tai nạn giao thông (số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đấy ạ, cả nước xảy ra 23.619 vụ tai nạn, làm chết 6.908 người và 25.002 người bị thương).
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Là một người dân, khi tôi đọc, tôi nghe được những lời mà Bộ trưởng hứa làm khi đảm trách vai trò người đứng đầu Bộ Giao thông. Với lời hứa: “Tai nạn giao thông sẽ phải giải quyết, còn bao giờ giảm hết, thì tôi chưa khẳng định được. Mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước”, tôi rất tin thông điệp mà Bộ trưởng đưa ra, sẽ được thực hiện triệt để.
Tuy nhiên, hàng ngày, chỉ thấy báo đài liệt kê các vụ tai nạn giao thông, mà tình trạng còn trở nên trầm trọng hơn, cứ vụ sau to hơn vụ trước và thảm khốc hơn. Nhưng thương tâm nhất là gần đây, báo điện tử Kiến Thức đưa tin một vụ tai nạn giao thông ở TP.HCM, đọc xong mà tôi không thể nén lòng mình vì sự kinh hoàng của nó. Cái chết thương tâm của chị Vũ Uyên và cháu gái Cát My (2 tuổi) không nguyên vẹn, dù hai mẹ con vẫn ôm nhau không rời. Cả đoàn người chứng kiến không ai cầm nổi nước mắt trước cảnh tai nạn quá thảm khốc này.
Rồi vụ lật xe đau lòng của các cụ đi thăm Quảng Trị vào rạng sáng 23/8 vừa qua, khiến đoàn xe 14 chiếc chở hơn 600 tăng ni phật tử từ Hà Nội vào dự lễ cầu siêu ở các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị. Khi qua dốc Truông Vên (quốc lộ 48, giữa huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu, Nghệ An), một xe bị mất lái, lao xuống vực. Hàng chục phật tử cố gắng đập cửa kính chui ra ngoài. Hai người chết tại chỗ, một người chết trên đường đi cấp cứu… 35 hành khách bị thương, chủ yếu trú tại các quận nội thành Hà Nội.
Hay như tôi, mỗi sáng ra khỏi nhà đi làm, trên đường thấy xe cộ lao vù vù, tôi vẫn thầm nghĩ: Mong sao đến cơ quan an toàn và khi trở về, lại cũng mong mình, người thân và cộng đồng không bị va quẹt gì. Đã thoát ngày hôm nay – an toàn, vậy còn ngày mai? Ngày kia thì sao???
Thưa Bộ trưởng, ông sẽ làm thế nào để mỗi người dân chúng tôi đỡ lo lắng mỗi khi ra đường? Giao thông đô thị hiện nay đang quá nóng bởi những người thiếu tinh thần xây dựng văn hóa giao thông? Hay tại đường xá của ta chưa có quy hoạch chuẩn? Tại các phương tiện tham gia giao thông chưa tuân thủ đúng luật? Mời Bộ trưởng xuống đường, tham gia giao thông cùng người dân, để thấy được nỗi sợ hãi mà hàng ngày chúng tôi phải đối mặt. Từ đó, Bộ trưởng sẽ thấu hiểu được người dân đang nghĩ gì?
Vậy, tới ngày nào chúng tôi mới bớt sợ hãi khi ra khỏi nhà? Khi nào gia đình được đoàn tụ yên ấm, cha không phải mất con, chồng không phải mất vợ, cha mẹ không mất con cái, con cái không mồ côi vì những tai nạn hãi hùng và nhiều người nữa – không lo mất khả năng lao động? Rất mong Bộ trưởng thấu hiểu và chúng tôi ngóng chờ những quyết sách thông tuệ của ông!

ĐẮNG LÒNG "CHUỒNG HỌC" Ở HUỔI CHÁT

Giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ.

Huổi Chát là một bản Mông chừng vài chục nóc nhà ở huyện nghèo Mường Tè. Hôm chúng tôi có mặt, chỉ còn 7 ngày nữa là đến ngày hội khai giảng, nhưng những gì bày ra trước mắt thật đắng lòng: Một căn lều tranh tre nứa lá gió thổi tứ bề, xiêu vẹo, ghế gẫy bàn long, ủn ỉn trong đó một cặp lợn mán, được cô giáo cắm bản giới thiệu là trường học.
Đường lên Huổi Chát ngoằng ngèo bò dọc theo núi. Con đường mới vỡ chỉ rộng độ 3 gang tay, bé đến mức những chiếc xe máy chỉ có thể tiến chứ không thể quay ngang để lùi, nhiều đoạn đã thụt hẳn xuống khe sâu thăm thẳm. Đương mùa trái gió trở giời, lúa nương cây trỗ cây trụi. Đường núi thăm thẳm thi thoảng lại ngoi lên một khuôn mặt trẻ con cháy nắng lấm lem bùn đất. Những đứa nhỏ 5-6 tuổi đã phải chui rừng cắt suối bói măng mò cá kiếm cơm. Gùi có khi còn to hơn cả người.
Bấy giờ đã giữa trưa, bữa cơm nhiều nhà chỉ có đôi bát nước suối, mấy chiếc măng to bằng quả chuối, với đĩa muối ớt. Dường như cơm có vị cay, vị mặn. Đám trẻ vừa đi nương về áo quần xốc xếch, mặt mũi nhem nhuốc túm tụm sau lách liếp đầu bản dương cặp mắt trong veo như nước suối tò mò nhìn người lạ. Cô giáo Đinh Thị Vin nói bằng tiếng Mông, vẫy chúng xuống lớp. Lớp học là một căn chòi lá rộng độ bằng 4 chiếc chiếu đôi xiêu vẹo, vách tre vọc vạch , hở hoác. Bên trong bàn ghế gẫy nát, đầy mạng nhện, ngổn ngang phân heo. Không biết đã từ bao giờ, trường học của lũ trẻ đã trở thành nơi trú ngụ cho một cặp heo mán với 4 heo con. Có người trong số chúng tôi gọi đùa, giọng không ít cay đắng: “Đây là chuồng học chứ đâu phải trường học”. Bế theo một học trò người Mông, cô giáo Vin, loay hoay tìm chỗ đặt chân. Lớp học vùng cao khó. Khó từ chiếc bảng đen, viên phấn trắng. Khó đến cả cái sự “bắc cầu Kiều”.
7 năm trước, cô giáo Đinh Thị Vin từ Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện.
6 năm trước, cô mang con trai 3 tuổi lên núi để sau đó chỉ 1 năm phải vội vã đưa con về xuôi vì đứa trẻ bấy giờ chỉ học tiếng người Mông.
5 năm trước, chồng cô mì tôm cá khô tấp tểnh lên thăm vợ, lần đầu và cũng là lần cuối, để chỉ nói một câu: Về.
4 năm trước, cô suýt bị dân bản bắt đền khi giữa đêm dám đem đứa trò nhỏ bấy giờ ốm thập tử nhất sinh vượt “ngang sông Đà”.
3 năm trước, cô khóc cả đêm khi đứa con dứt ruột đẻ ra giờ không còn nhận ra giọng mẹ. Gia đình là thứ gì đó mơ hồ. Có khi chỉ là mười ngày phép mỗi cuối năm và những đồng tiền chắt bóp tháng tháng gửi về quê.
Và giờ, cô giáo người Kinh đã trở thành đứa con của Huổi Chát, của Nậm Manh, nói tiếng Mông để dạy tiếng phổ thông, ăn mèm mém, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.
Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao, việc đầu tiên của những cô giáo trước ngày khai trường, không phải là nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra cách thu tiền mà  là “dân vận” để cha mẹ học sinh đồng ý đưa con đến trường. Không thể có giáo dục nếu như không có những ngôi trường. Nhưng cũng không thể có những ngôi trường nếu như không có những đứa học trò. Chỉ buồn là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ.
Trưởng bản Lầu Giống Sì khoát khoát cánh tay quanh tứ bề rừng nham nhờ xung quanh. Đấy là ông đang giải thích chuyện miếng cơm. 100% hộ sống dưới mức nghèo đói. Cả bản, không một mét vuông ruộng nước, sống nhờ vào những nương lúa. Lúa nương trông cả vào ông giời. Năm nào mưa thuận gió hòa, Nậm Chát có gạo, có ngô ăn đủ trong nửa năm. Nửa năm còn lại thì sao? Thì trông cả vào rừng. Có nghĩa, đến ngay cả chuyện căng cái bụng cũng trông vào ông giời, đủ ăn cũng đã là một niềm mơ ước khi Nậm Chát đói quanh năm chứ không chỉ là mùa giáp hạt. Trong nhà người Mông Nậm Chát, những chiếc lông gà dán trên cây cột thiêng giờ bạc thếch, xác xơ. Lâu lắm rồi người Huổi Chát không có hội, không làm gà, thậm chí không cả xuống chợ Nậm Hàng phía bờ hữu sông Đà. Cuộc sống là chuỗi những mưu sinh không buồn, chẳng vui, không quá khứ, không tương lai. Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là bát cơm có miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ, thậm chí xa lạ.
Chúng tôi đi từ Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, ngược lên Phong Thổ, Mường Tè, qua 9 điểm bản và nhận ra một điều rằng ở bất cứ trường học vùng cao nào cái khó nhất của thầy trò nơi đây chính là bữa ăn.
Vâng, đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, vẫn cứ phải nói đến chuyện miếng cơm manh áo khi mà bữa ăn phổ biến nhất của những đứa trò nhỏ vùng biên ải vẫn triền miên là cảnh “một nồi canh rau, 3 miếng đậu trắng”.
Hôm chúng tôi đến trường tiểu học Huổi Luông, ở xã biên giới Huổi Luông thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu, điều không ai có thể quên được là bữa ăn của những đứa trẻ. Một bát tô nhựa, trong đó lổ lốn vừa cơm, vừa canh, và loi nhoi 2 miếng đậu trắng. Không thể gọi khác hơnTô cơm tiêu điều và khốn cùng đến mức con chó miền xuôi có lẽ cũng phải lắc đầu. Xin đừng ai đó trách các thầy cô giáo vùng cao. Ở những điểm trường vùng cao, cha mẹ học sinh tháng tháng góp 4 kg gạo và 7 ngàn tiền ăn mỗi tuần, thậm chí vì không có tiền, mỗi cuối tuần chỉ có 1 bó rau rừng được gửi tới. Người ta có thể mua gì khác cho lũ trẻ ngoài đậu, loại thực phẩm chỉ giúp lũ trẻ quên đi cơn đói?
Từ cách đây 2 năm, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 120 ngàn/tháng đối với trẻ em 5 tuổi. Tới cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ có quyết định (số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011), theo đó: Trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học để duy trì bữa ăn trưa tại trường.
Hiệu lực thi hành của Quyết định là từ 15.12.2011
Phải mất nhiều tháng sau đó, liên bộ: GD-ĐT, Tài Chính, Nội vụ mới có thông tư Hướng dẫn quyết định 60, thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo. Và cũng phải bắt đầu từ 1-9-2012, các Trường mới bắt đầu làm thủ tục thống kê học sinh 3,4 tuổi đề nghị được cấp hỗ trợ. Danh sách này sẽ qua các nấc từ xã ,huyện, tỉnh, và nếu như tiến độ chính xác như quy định đến từng ngày như trong thông tư thì sau 80 ngày danh sách mới về đến Bộ Tài Chính và Bộ GD-ĐT. Còn bao giờ tiền về được tới trường thì lại phải phụ thuộc vào “tốc độ cải cách hành chính” của các bộ, các sở, các địa phương.
Chỉ biết là 8 tháng sau quyết định của Thủ tướng, ngay trước thềm năm học mới 2012-2013, ở hầu hết trong 9 điểm trường mà chúng tôi đặt chân tới của các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, “độ trễ của chính sách” khiến cho những đồng tiền cơm lũ trẻ đáng được hưởng, thực ra vẫn bóng chim tăm cá. Câu hỏi “bao giờ” vẫn là niềm day dứt của những người làm giáo dục vùng cao. Và cái hậu của việc truy lĩnh, “dồn một cục”, là các trường sẽ phải trả những đồng tiền ăn của các cháu cho cha mẹ. Không ai có thể cam kết sau đó những đồng tiền cơm 2 năm học của một đứa trẻ không biến thành một bữa nhậu của người lớn.
Chúng tôi ngồi bên mái lá Huổi Chát trong sự tù túng bức bối ngưng đọng của cả không gian và thời gian. Một lát, cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Hường đội nắng leo núi đi tới. Hường 24 tuổi, đã lên Mường Tè 5 năm. Lớp học của cô có 18 học sinh, học từ lớp 1 đến lớp 4. Nấu ăn cho lũ trẻ ư? Hường hỏi, trong mắt có chút ngơ ngác. Chúng tôi hiểu được sự ngỡ ngàng của cô ngay sau đó. Chợ Nậm Hàng thì cách Huổi Chát vài tiếng đi bộ. Và điều quan trọng nhất là chính cô cũng triền miên rau cháo qua ngày.
Cũng còn may cho lũ trẻ vùng cao là còn có những cô giáo cắm bản, như Vin, như Hường. Một người đã từ lâu coi Huổi Chát là nhà. Một người khác đang tính chuyện xây dựng gia đình trên chính mảnh đất nghèo khó này, với người chồng, cũng là một thầy giáo cắm bản, đang ở xã xa nhất Huổi Manh, cách cô chừng 6 giờ leo núi.

LỜI NÓI CỦA BỘ TRƯỞNG

Lâm Trực
Nhân đọc bài Giảm 60 ngàn tỷ đồng tiền thuế ôtô trong năm 2012 trên báo Công an nhân dân bỗng thấy buồn.
Buồn vì kinh tế nước nhà đang khủng hoảng lại gặp phải chuyện này. Dưới góc nhìn cá nhân và của cả cộng đồng tôi thấy lỗi này thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Vâng, đúng thế. Chỉ một lời nói của ông, chưa thành hiện thực đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội như thế này. Ông mới chỉ đề xuất thu phí bảo trì được bộ và phí yêu nước (Hạn chế phương tiện cá nhân – Phi luật pháp) thôi mà cảnh sdowr khóc, dở cười cho cả cộng đồng. Người dân có xe mà lo nơm nớp, doanh nghiệp vận tải thì khốn cùng, người dân suy cho cùng là đối tượng chịu thiệt hai. Nhưng, một thực tế đau xót đã xảy ra là chính Nhà nước đã thất thu.
Nhà nước thất thu thuế từ việc mua bán, chuyển nhượng xe ô tô và xe máy; thất thu từ việc bán xe của các công ty, nhà máy sản xuất ô tô; Nhà nước thất thu từ thuế nhập khẩu xe ô tô và phụ tùng.
Số tiền mà Nhà nước thất thu tính sơ bộ đã lên tới 60 nghìn tỷ trong năm 2012. Sự thật đó thật chua chát. 
Chúng tôi không thể tưởng tượng ổi ông Thăng nghĩ gì? trách nhiệm của ông ở đâu? Đặc biệt là sự hiểu biết nông cạn của ông về pháp luật liệu có được người dân và lịch sử tha thứ?
Câu trả lời sẽ được giải đáp khi các đề xuất về phí của ông và một số quyết sách của ông được đưa vào cuộc sống.  Nhưng giờ đây, mặc dù chúng cưa được chấp nhận, thì lời nói của ông đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng dân và nền kinh tế của đất nước. 
Xin các bạn hãy đọc bài báo sau “Giảm 60 ngàn tỷ đồng tiền thuế ôtô trong năm 2012” trên báo Công an nhân dân và suy ngẫm về những gì mà ông Thăng nói.



Thưa ngài Bộ trưởng GTVT: Ý tưởng hay, không dễ!


Chị T., cán bộ kế hoạch của một doanh nghiệp kinh doanh ô tô Nghệ An cho biết: “Quý I năm nay, lượng xe ô tô của công ty bán ra chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm 2011. Tháng 4 chỉ bán được hơn chục chiếc, trong khi cũng thời điểm này năm ngoái bán rất chạy”. Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài sự suy thoái kinh tế, theo chị, còn do ảnh hưởng của các đề án thu phí trên đầu phương tiện của Bộ GTVT đề xuất.
“Sáng kiến” thu phí “hạn chế phương tiện cá nhân” của Bộ trưởng Đinh La Thăng có chống được ùn tắc? (Nguồn: internet)

Thời gian gần đây, dư luận xã hội nhiều phen nổi sóng bởi các ý tưởng của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT. Từ khi lên nhậm chức Bộ trưởng Bộ GTVT (tháng 8/2011), ông Đinh La Thăng liên tục đề xuất các ý tưởng nhằm giải quyết những vấn nạn của tình hình giao thông.

Có rất nhiều ý tưởng được gắn mác “made in Đinh La Thăng” được “xuất bản”, gồm: tiêu hủy xe đua trái phép; cách chức cán bộ quản lý công trình giao thông thi công chậm tiến độ (gọi là “trảm tướng”); yêu cầu chủ sở hữu ô tô cá nhân khi đăng ký xe phải chứng minh có nơi đỗ xe; cấm cán bộ công chức Bộ GTVT chơi gofl; yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần; thay đổi giờ học giờ làm ở một thành phố trọng điểm; cách chức Chủ tịch tỉnh nào để tai nạn giao thông tăng 3 năm liên tục; thu quỹ bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí phương tiện vào nội thành vào giờ cao điểm; xây dựng tàu điện 1 ray và mới đây nhất là ý tưởng mỗi chủ phương tiện khi đăng kí xe ô tô phải lập một tài khoản ở ngân hàng để…chờ nộp phạt.

Có thể kể thêm ý tưởng/ đề án xây trụ sở cơ quan, trường, viện của Bộ GTVT với chi phí lên tới hơn 12 nghìn tỷ đồng đã được ông Đinh La Thăng phê duyệt.

Việc đề xuất hàng loạt ý tưởng nói trên cho thấy ông Đinh La Thăng là người năng động, quyết tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành giao thông. Tuy nhiên, phần lớn các ý tưởng của ông đều gây tranh cãi, phân hóa dư luận thành hai phe phản đối và đồng tình, trong đó phần lớn là ý kiến phản đối. Không ít ý tưởng do ông Đinh La Thăng đề xuất bắt chước theo phương pháp của nước ngoài: đổi giờ học, giờ làm; xây dựng tàu điện một ray; thu các loại quỹ, phí…


Nhiều ý tưởng, đề xuất của ông Đinh La Thăng không áp dụng được, mặc dù đã có văn bản chỉ đạo (yêu cầu nhân viên đi xe buýt), thậm chí trái luật (như cấm cán bộ chơi gofl, tiêu hủy xe đua trái phép…), hoặc nếu áp dụng sẽ gây nhiều hậu quả xã hội tiêu cực (phí hạn chế phương tiện cá nhân). Nhiều ý kiến đã chỉ ra tính bất cập trong một số đề xuất của Bộ trưởng Thăng, thiên về thu phí của dân mà không có giải pháp để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong xây dựng các công trình giao thông.

 Hiệu quả tích cực của những ý tưởng đó chưa thấy đâu nhưng đã gây ra những hệ quả không mong muốn. Việc thay đổi giờ học đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của hàng trăm nghìn học sinh vì phải học trong những thời điểm không thích hợp với tâm lý, sức khỏe.                  

Từ “hiện tượng Đinh La Thăng”, chúng tôi cho rằng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về chuyện đề xuất, thực hiện ý tưởng/đề án có tác động lớn đến cộng đồng. Xã hội sẽ không phát triển, trì trệ nếu không có những ý tưởng mới mẻ. Nhưng để có những ý tưởng thực sự có ý nghĩa, tác động tích cực đến đời sống không hề giản đơn. Một người bình thường cũng có thể nghĩ ra không ít ý tưởng, nhưng hầu như đó là những ý tưởng “vô thưởng vô phạt”, hoặc chỉ có tính chất lãng mạn cho vui. Những ý tưởng xuất sắc, độc đáo, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn chỉ có thể do những người hội đủ một số điều kiện nhất định nghĩ ra.


Đó là các chuyên gia, những người chuyên sâu trong một lĩnh vực, có trí tuệ uyên bác, mẫn tiệp, sâu sát với thực tiễn, đam mê, sống chết với lĩnh vực chuyên môn và phải có cái Tâm với cộng đồng, với nhân loại.  Không phải quả táo rơi trúng đầu I.Newton giúp ông nghĩ ra thuyết vạn vật hấp dẫn, mà đó là kết quả lao tâm khổ tứ suốt bao năm của một nhà bác học, nhà khoa học, kĩ thuật thực nghiệm.

Khoảnh khắc quả táo rơi xuống là sự “lóe sáng của thiên tài”, chứ không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên. Người bình thường thì có quả gì rơi trúng đầu cũng không thể nghĩ ra ý tưởng như vậy. Bao nhiêu người đã tắm, đã ngâm mình nổi trong nước nhưng chỉ có Archimede mới có khoảnh khắc “Ơ rê ca”, phát minh ra định luật Archimede. Phải là những bộ óc như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… cộng thêm lăn lộn trong thực tiễn chiến tranh, mới phát minh được những loại vũ khí, kĩ thuật phục vụ chiến đấu, sản xuất có hiệu quả.        

Và từ ý tưởng, phát minh đến áp dụng vào thực tiễn còn là một quá trình thử nghiệm chặt chẽ, phức tạp. Có nhiều ý tưởng đúng, hay nhưng điều kiện xã hội hiện tại chưa cho phép thực hiện mà phải nhiều năm sau, thậm chí hàng chục năm sau mới có thể phát huy giá trị thực tiễn.

Từ năm 2008, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam do ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐQT đã đề xuất đề án để nước ta giành giải thưởng…Nobel! GS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét “chẳng khác gì người còn chập chững tập đi mà đã ao ước muốn bay”, vì Việt Nam hiện chưa có nền tảng khoa học căn bản, chưa có văn hóa khoa học, chưa có những nhà khoa học hàng đầu, chưa có “những ý tưởng có tính chất cách mạng, những ý tưởng dẫn đến một mô thức (paradigm) mới”.

Theo chúng tôi, những phát minh, ý tưởng có giá trị, có ý nghĩa chỉ có thể xuất hiện từ một nền tảng khoa học, dân trí nhất định, bởi những cá nhân có trí tuệ và am hiểu, sâu sát thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Ý tưởng hay là rất quý, thậm chí vô giá vì rất khó, rất hiếm. Việc đem ý tưởng vào áp dụng thực tiễn cũng hết sức thận trọng, phải trải qua phản biện của các chuyên gia, lấy ý kiến công chúng rộng rãi và cần được kiểm chứng trong thời gian và số lượng đối tượng cần thiết. 

Trần Quang Đại

NHÂN ĐỌC BÀI VÁ ĐƯỜNG NHƯ …VÁ TRINH

Vá đường mà được như vá trinh thì đã tốt quá bạn phóng viên ạ, vì dù sao bọn vá trinh nó phải làm cẩn thận dù chỉ giống nhau ở chỗ chỉ để sử dụng 1 lần

Cho đến trước kỳ nghỉ dài ngày, báo chí vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ quên đi việc Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch chi 12.000 tỷ đồng cho việc xây nhà mới.

Theo các nhà báo, khoản tiền 12.000 tỷ này nằm trong khoản 220.000 tỷ đồng cả gói cho Đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ Giao thông Vận tải vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt.


Dù vẫn biết, mọi sự so sánh trên đời đều là khập khiễng như bề mặt đường sá thời nay, nếu đem so 12.000 tỷ định tiêu vặt này với khoảng 12-15 nghìn tỷ có thể sẽ thu được từ phí lưu hành ô tô cá nhân hàng năm hoặc với 18.500 tỷ đồng sai phạm của Tập đoàn Dầu khí vừa bị thanh tra khui ra..

Duy có một điều có thể khẳng định, 12.000 tỷ cũng chẳng đáng là gì so với khoản tiền phạt giao thông mới được các nhà báo hoảng hốt đưa tin. 12 nghìn tỷ nếu đem biến thành tờ rơi như đã làm cũng chỉ dăm năm là hết veo nhưng nếu dùng số tiền ấy để xây trụ sở, xem chừng vẫn có một tí ti hợp lý, phải không thưa quý độc giả?

Hãy nghĩ mà xem, Bộ Giao thông hoàn toàn xứng đáng có một trụ sở mới hoành tráng thì mới bõ cái công vắt óc tư duy nghĩ ra hàng loạt đột phá mà Bộ này đã mạnh dạn đề xuất thời gian qua, vốn hứa hẹn hết sức hiệu quả và đầy tính khả thi, chỉ phải mỗi cái tội là ai cũng phản ứng bất bình mà không có lấy một lời khen ngợi, cảm thông. Dân chúng mình không quen đột phá táo tợn hoặc giả không thích xắn tay áo xô đốt nhà táng giấy mà.

Hãy xem, sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, gần 4 tháng sau lời hứa nhận trách nhiệm của Bộ trưởng, người ta đã tìm ra nguyên nhân khiến xe cộ bốc cháy đùng đùng, một kết luận mà không thể không làm người ta tâm phục, khẩu phục: Xe cháy là do… lửa, không có lửa thì nhất định xe không thể cháy. Thấy chưa, đã bảo là Bộ không làm thì thôi chứ đã làm là ra cám ra bã ngay.

Riêng về cái chất lượng đường xá thì khỏi phải bàn rồi. Hãy lấy ngay cái ví dụ về con đường cao tốc đang khiến các bác tài khóc dở, mếu dở vì đi cũng chết, mà không đi cũng chết, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Còn nhớ, cuối năm 2011, sau khi đưa vào lưu thông, báo chí đã kêu la ầm ỹ thế nào về chất lượng tệ hại của con đường này, báo hại ngành Giao thông phải tất tả dặm vá những ổ voi, ổ trâu, chẳng khác nào các chị các mẹ năm xưa miệt mài vá váy đụp, vá yếm ngày xưa.

Còn tại phiên giải trình cách nay mấy hôm tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có vị đại biểu nghe đâu đã nghẹn ngào đặt câu hỏi với Bộ trưởng về việc cái mặt cầu Thăng Long vá đi vá lại mà vẫn thủng, đến nỗi công nghệ bám dính của Anh, công nghệ thi công vật liệu của Singapore cũng phải chào thua.

Trời ạ, cái sự vá đường thời nay hình như đã trở thành mốt, có lẽ chỉ chịu kém cái mốt vá màng trinh của các kiều nữ tân thời, nghe nói có kẻ chịu khó vá đi vá lại đến cả chục lần kia mà.

Nói đến kiều nữ, nghe tin Bộ Giao thông định “thay áo” như cách ví von của Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhiều người còn không khỏi so sánh giữa Bộ này với các chị, các mợ hot girl thời nay. Mới đây nhất, ca sĩ kia vừa e thẹn khoe đồng hồ làm bằng khối 100 cây, diễn viên nọ cũng vội vàng khiêm tốn trưng kim cương rắn tròm trèm có hơn 10 tỷ.

Cũng phải thôi, cái thời Nghiêu, Thuấn ở nhà kèo gỗ đẽo mà không bào, tranh mái nhà không cắt phẳng, uống chén đất, ăn bát bằng sành đã xa lắm rồi, hà cớ gì mà bắt người ta phải kham khổ như như cái thời nguyên thủy xa xôi?

Chỉ với từng đó dẫn chứng, người ta đã phải gật gù mà thừa nhận rằng Bộ Giao thông hoàn toàn được phép làm đỏm một chút cho duyên dáng hơn, ấy là chưa kể những diệu kế mà Bộ đã từng ấp ủ về phí, về xử phạt!

Mà kể ra có doanh nghiệp nào xung phong tặng Bộ cái trụ sở thì tốt quá, như có doanh nghiệp nào từng tặng Bộ cái xe 2,6 tỷ ấy!

Vả chăng, kinh nghiệm cho thấy chúng ta cũng không nên sống quá kham khổ, bởi hậu quả có thể sẽ hết sức khôn lường. Hôm nay, báo chí cũng ngậm ngùi đưa tin về bà mẹ trẻ ở Hà Giang cùng 4 đứa con thơ chết thảm vì ăn bánh ngô bị mốc, khiến người ta vừa gạt nước mắt vừa tự hỏi phải chăng câu nói “ăn bẩn sống lâu” chỉ là lời động viên của người xưa với những kẻ cùng đinh, những kẻ vốn “dĩ thực vi thiên”, lấy ăn làm trời? Hay câu nói ấy không dành cho đám dân đen, mà dành cho những kẻ chưa bao giờ biết rằng trên đời có người phải ăn bánh ngô mốc?

Cũng liên quan đến cái dạ dày, cũng trong hôm nay, nhiều nhà báo và cả các nhà ngôn ngữ được một phen chỉ giáo về cái gọi là nghệ thuật của ngôn từ. Cụ thể, một vị là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố nọ đã lên tiếng phản bác thông tin “80% người tiêu dùng ở Hà Nội phải dùng thịt bẩn”. Vị này tuyên bố như đinh đóng cột rằng tỷ lệ 80% do một số tờ báo đưa tin là không chính xác, là sai sự thật nghiêm trọng. Nghĩa là vị quan này khẳng định dân chúng ta…không ăn bẩn! Đương nhiên rồi, dân thì không biết ăn bẩn hay nói cách khác là có muốn ăn bẩn cũng không được. 5 bộ dốc sức chung lòng lo cho một mâm cơm của dân thì tất yếu mâm cơm ấy sach hơn cơm chay nhà chùa rồi, bẩn sao được chứ?

Còn định cãi gì nữa hỡi các nhà báo vốn tự vỗ ngực cho mình là bậc thầy trong nghệ thuật của ngôn từ, các vị có xấu hổ chút nào không khi được sinh ra trong một dân tộc vốn có tài năng thiên bẩm về phép phiếm chỉ, chung chung?

Trời ạ, tiếng Việt có vô số từ có thể thêm vào trước con số 80% bất di bất dịch, chắc như đinh đóng cột kia, nào là “khoảng”, nào là “trên dưới”, nào là “chừng”, nào là “xấp xỉ”… ôi thôi nhiều lắm, cớ sao nhà báo lại không dùng? Ai lại dại dột hạ bút viết con số 80% chém đinh chặt sắt, nếu chẳng may lập đoàn thanh tra, khảo sát khoa học chính xác cho ra ngay những con số như 81,5% người tiêu dùng phải dùng thịt bẩn hoặc 79,3% người bị ngộ độc thức ăn mất vệ sinh thì nhà báo đã sai lè lè biết giấu mặt vào đâu cho khỏi ngượng?

Còn nếu cần những bài học kinh nghiệm nóng hổi vừa thổi vừa đọc, các nhà báo có thể cắp cặp sang Tập đoàn Dầu khí. Bạn đọc thử nghĩ coi, với 18.500 tỷ đồng được Thanh tra Chính phủ kết luận mới rồi, ta nên dùng từ “sai phạm” hay từ “khuyết điểm” thì chuẩn không cần chỉnh.