GỌI TÔI LÀ "ÔNG TRÙM BÁO LÁ CẢI" THÌ KINH QUÁ

SohaNews: Nguyễn Quang Thiều.

Lá cải, bản thân nó không phải cái xấu, nó chỉ mang đến thông tin bình dân nhất với muôn vẻ đời sống tới bạn đọc. Nhưng chúng ta đã nhìn nhận nó một cách lẫn lộn.

Thành danh cả trong lĩnh vực văn chương lẫn báo chí, là bố của hai con đều là du học sinh Mỹ, nhưng Nguyễn Quang Thiều chỉ đợi nghỉ hưu là xếp đồ đạc về quê.

Anh tự nhận: Tôi sống ở đây nhưng linh hồn ở lại quê nhà. Và cũng chính anh khi nghe mẹ bảo “con đã thành công” là biết cuộc đời mình coi như không còn gì lo lắng nữa. Anh không chờ đợi những “huân chương” của cuộc đời.

Tôi gặp Nguyễn Quang Thiều vào cuối thu. Cuộc trò chuyện với anh bao giờ cũng kéo dài, vì những điều anh chia sẻ, khi nào cũng khiến người đối diện có thể trào nước mắt. Không phải anh kể chuyện ai đó đau khổ, cũng không phải ngạc nhiên về những phận đời anh cần mẫn gặp trong suốt bao năm. Mà đơn giản, người ta luôn nhận thấy ở những điều anh chia sẻ sự chân thành từ máu thịt. Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài từ sự tiếc nuối đến chuyện… bà Tưng, nhưng cuối cùng vẫn về với làng Chùa và những mùa đổ dế.

Có một kẻ rời bỏ thành phố là tựa cuốn tiểu luận mới nhất của Nguyễn Quang Thiều. Tôi chưa gặp một người nào ít tình cảm với đô thị như anh. Nhưng lại bất ngờ vì biết hai con anh đều đang ở Mỹ.

Tôi luôn hỏi anh trong mỗi dịp gặp gỡ rằng: Sao anh tiếc nuối nhiều điều thế? Và cuộc gặp này, anh giúp tôi lý giải một phần nào.

Thành phố chỉ là nơi tôi kéo thể xác mình đi qua

Đọc về anh nhiều, cả thơ và văn xuôi, tôi nhận thấy, trong anh có nhiều nỗi tiếc nuối, những nuối tiếc ấy luôn gắn với kỷ niệm đẹp đẽ về Làng Chùa (Hà Tây cũ), nơi anh được sinh ra.

Đúng là trong tôi có nhiều tiếc nuối, nhiều nỗi buồn. Tôi buồn vì vẻ đẹp của đời sống thiên nhiên, đời sống tinh thần và văn hóa con người đang bị chủ nghĩa vật chất xâm thực. Tôi lấy làng quê để nói về nỗi niềm ấy, vì đô thị chúng ta ít điều để nói. Đô thị ở ta với tôi nó vô cảm lắm.

Ở đô thị, chúng ta có những ngôi nhà cao tầng, thậm chí các căn biệt thự. Con người bên trong đó mang nhiều đặc tính từ các vùng quê cộng vào. Trong đó có rất nhiều điều tuyệt vời của những người thôn quê nhưng cũng có nhiều hạn chế cản trở sự phát triển đi đến một đô thị văn minh. Cái tôi kêu lên, cái tôi viết là vẻ đẹp của đời sống đang mất dần đi.

Sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 18 tuổi, anh chọn nơi này vì lý do gì?

Vì sự mưu sinh. Thêm nữa, khi mình đã ở đó có nghĩa mình đã thò tay vào nó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để cải tạo thành phố.

Ở Hà Nội, anh đang sống trong một căn nhà thế nào?

Tôi sống trong một căn tập thể rất nhỏ, coi nó như chốn có thể trở về ở tránh mưa, tránh nắng. Còn linh hồn và tinh thần tôi trú ngụ ở làng quê. Thành phố chỉ là nơi tôi kéo thể xác mình đi qua mà thôi.

Tôi vẫn giữ lại căn nhà ở Làng Chùa quê tôi, căn nhà ông nội đã xây cách đây 100 năm và không thay đổi gì cả. Mặc dù tôi có nhiều áp lực phải xây dựng một ngôi nhà mới khang trang hơn. Nhưng tôi vẫn để lại tất cả: một căn nhà với những hàng cau, những cây mận đến mùa trổ hoa, những hàng dâm bụt. Đến bây giờ, những người từng bắt tôi xây nhà tầng khang trang, họ trở về và thấy nó lúc này thật đẹp. Vẻ đẹp văn hóa sẽ không bao giờ chết đi và không có thời gian tính. Vẻ đẹp trong nguồn cội không có thời gian tính, chỉ có cái gì chạy theo mốt, theo trào lưu mới bị thời gian nghiền nát.

Bao lâu anh lại về quê?

Cứ hai tuần tôi lại về quê. Ở đó tôi vẫn còn những điều tuyệt vời: làng xóm, họ hàng, anh em.

Đề cao về văn hóa cội nguồn nhưng hai con của anh đều đang học ở Mỹ. Anh có giấc mơ nào gửi gắm ở con mình không?

Các bạn đang nhìn nước Mỹ ở New York, ở Chicago mà không nhìn nước Mỹ trong tổng thể của nó. Nước Mỹ, đô thị ở đó đích thực là một đô thị, nông thôn là nông thôn như nhiều nước châu Âu khác. Tôi đã đi các nước phát triển, đến Mỹ và tôi thực sự xúc động khi thấy họ bảo vệ cái cây, con chim như bảo vệ con người. Nông thôn với họ không phải là sự lạc hậu mà là những gì trước đó hàng trăm năm hoặc ngàn năm được tạo dựng ra bởi sự tranh đấu, ước mơ, học hỏi, tích lũy và nó ngưng đọng lại thành trí tuệ, văn hóa.

Các con tôi học ở Mỹ, chúng khiến tôi hạnh phúc. Vì chúng đã biết chăm sóc một cái cây, biết bắt đầu lo lắng cho một người già, có trách nhiệm với một nguồn nước ô nhiễm.

Đọc thêm »

BỨC ẢNH PHẢN CẢM CÓ THẬT ĐƯỢC CHỤP Ở VIỆT NAM?

Bài của Hiệu Minh: Bức ảnh phản cảm có thật được chụp tại Việt Nam?

Bức ảnh phản cảm. Ảnh: TPO

Thông điệp ngắn là: Check and Balance – Hãy Kiểm chứng và Cân bằng.

Hiệu Minh blog ít khi bàn đến chuyện lộ hàng, phản cảm. Nhưng có bạn email nhờ bình về bức ảnh 1 cô gái khoảng hơn 20 tuổi, mặc váy ngắn, miệng cười rất tươi nhưng đứng tạo dáng phản cảm trên bức tượng một vị tiền nhân 1 tay cầm sách, 1 tay cầm ly trà.

Báo TPO, VNE, Dân Trí và nhiều blog, facebook… thi nhau đăng lại với comment lên án cô gái và hành động phản cảm trên.

Tôi chỉ lưu ý bạn đọc hãy nhìn kỹ bức ảnh, cái chùa có dáng vẻ Trung Quốc, Triều Tiên gì đó. Ngói ống ít khi dùng trong chùa Việt Nam, bức tượng dường như làm bằng đồng, khá công phu, tôi thấy chùa VN ít có tượng đồng để ngoài trời.

Thêm vào đó, phía bên phải ảnh có hòn đá cảnh, nhô ra một chữ nho (trung – 中 viết theo mẫu thảo? – nhờ bác nào biết tiếng Hán xem hộ ) hơi mầu xanh. Chữ mầu xanh thì người Hoa hay dùng, người Việt thiên về mầu đỏ hay vàng. Khung cảnh tịch mịch, giống với chùa Trung Quốc hay nước nào đó hơn là VN.

Thêm nữa, cô gái với áo đỏ, túi đỏ, tóc đuôi gà vắt vẻo, không giống với giới teen VN hiện nay lắm. Cái túi trông khá sang trọng, đôi ủng cũng thế, các bạn nữ thử đoán xem là hàng hiệu gì.

Tôi đi xa VN lâu nên có thể không biết hết kiểu ăn mặc các bạn trẻ VN hiện nay, và chùa VN cũng không biết nhiều.

Nhưng thông điệp của tôi là, bạn hãy cẩn thận với những bức ảnh hay thông tin trôi nổi kiểu này trên internet. Hãy kiểm chứng trước khi ném đá. Check and Balance, please.

Một ảnh hay một thông tin xác thực cần hội tụ đủ 5 chữ W (Five Ws), mà các nhà báo chuyên nghiệp cần nắm vững.

Who is it about? Ai, nói về ai

What happened? Cái gì đã xảy ra

When did it take place? Xảy ra khi nào

Where did it take place? Ở đâu

Why did it happen? Tại sao

Ngoài ra còn có chữ How (làm thế nào) cũng thuộc vào câu hỏi mà nhà báo cần trả lời khi viết tin. Giới blogger cần học kỹ những nguyên tắc vàng trên.

Các bạn tìm ra được cái chùa này ở VN và cô gái này là người Việt thì hãy nên phản hồi. Tất nhiên, nếu là cô gái nước ngoài cũng xứng đáng nhận một rổ đá.

Chúc các bạn đón năm mới vui.

HM 1-1-2014

Bức ảnh này được cho là có nguồn gốc từ trang mạng TQ. Nhưng đã bị cắt mất chữ TRUNG.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Quí cho biết trong phần comment. Đây là bài học cho giới cầm bút.

EM ĐỪNG SỢ MÙA ĐÔNG

Tháng mười hai, rét muộn, em thích cuộn tròn trong chăn, đọc một cuốn tiểu thuyết tình yêu, nhâm nhi chút cà phê.

Lạnh quá, em không ghét mùa đông, em chỉ ghét cái lạnh hững hờ nhấn em chìm trong nỗi cô đơn một ngày xám màu khi em bước qua những con phố dài, khi em níu tay cầm trên những chiếc xe bus thưa thớt, hay khi em ngang dọc ghé thăm chút ít kỉ niệm vương vấn đâu đây. Em mặc áo khoác rất dày, một màu đỏ nồng nhiệt, nhưng gió vẫn rít qua kẽ lòng em tê tái, giống như là vực dậy chút hoài nghi đã từ lâu ngủ yên. Em thả tóc mun, nghe mối tơ vò cứ thêm bện chặt, từng chút một.

Một buổi sáng bước xuống phố, cái lạnh thoắt cái đã khiến em run rẩy con tim. Ảnh: internet

Mùa đông đến với em có báo trước gì đâu. Một buổi sáng bước xuống phố, cái lạnh thoắt cái đã khiến em run rẩy con tim. Em khẽ rùng mình, mắt hanh hao dõi theo những ngón tay đan trên con đường dài tưởng như bất tận, vờ như không thấy lòng mình giá buốt dần, phả hơi ấm ít ỏi vào lòng bàn tay. Chẳng còn ai giằng lấy đôi tay cớm lạnh ửng hồng này, nhét vào túi áo khoác dạ của minh cho em nữa đâu, nhưng em cũng chẳng cho phép mình cảm thấy một chút tủi thân, vò mạnh đôi bàn tay tê cứng. Lạnh, thật là lạnh.

Có những đêm mùa đông, em chẳng ngủ nổi, ánh mắt quánh đặc như giọt cà phê, u ám nhìn ra bóng tối. Em mỉm cười tự trào, bàn tay gạt đi dòng ấm đang lăn dài trên má. Rồi em ngây ngô lôi điện thoại mình ra, soạn một tin nhắn vào những con số quen thuộc, “ Đừng khóc “. Điện thoại em chợt rung lên, “ Đừng khóc “. Em lại cười.

Thực ra, mùa đông cũng không đến mức quá tồi tệ. Em mới ốm có hai lần, rồi thì cũng biết chăm chút cho sức khỏe mình hơn, không ăn mặc phong phanh để người khác phải than phiền như trước nữa. Đôi khi em cũng nhớ cái giọng càm ràm của người, nhưng em mạnh mẽ hơn rồi, không cho phép mình bật khóc. Gió bấc tràn về, dòng người thưa thớt, chẳng còn ai thấy em ánh mắt trống rỗng, bước đi vô định trên con đường cây lá trụi khô. Hay là thi thoảng mưa lại giăng mắc, em né đi cái tấp nập nhất thời, thong dong dạo chơi, cho đến khi lạnh giá này át đi bao nhiêu suy nghĩ vướng mắc.

Em một mình bước giữa dòng người, tấp nập quá, em thấy cô đơn quá. Ảnh: internet

Em sợ mùa đông như sợ mất anh. Hay bởi em mất anh, nên em sợ đông nhanh đến. Em sợ bản thân sẽ sớm tự cường đứng dậy gạt đi những nỗi niềm xưa cũ, vẽ cho mình một lớp mặt nạ cười. Mà, đúng là em đã tự vực mình như thế. Em chăm chút cho mình như anh từng chăm chút cho em, em trưởng thành hơn, rồi dần dà, cũng chẳng thấy mùa đông lạnh lẽo nữa. Khi cô đơn, hay nhớ anh, em vùi mình vào giấc ngủ, để khi thức dậy, em sẽ lại buộc mình cảm thấy mọi chuyện đã ổn rồi. Vậy thì, chỉ một mùa đông nữa thôi, em sẽ lãng quên anh mất.

Nhưng em còn sợ mùa đông, như sợ sẽ nhớ tới anh. Em sẽ nhớ là, chúng ta đã từng nắm tay trên những con phố dài lê thê, anh dúi tay em vào túi áo mình, hơi ấm này thật tuyệt. Em sẽ nhớ là, anh luôn nhắn tin nhắc em mai trời trở lạnh, thúc giục em đi ngủ sớm mỗi đêm. Rồi em sẽ nhớ anh, sao lại hay mắng mỏ em thế chứ, chỉ là quên không mang khăn quàng cổ thôi mà, đâu thể ốm ngay được.

Mùa đông, tháng mười hai lại về rồi, gió bấc cũng tràn xuống nhấn chìm thành phố trong hơi thở tê cóng của đất trời. Em một mình bước giữa dòng người, tấp nập quá, em thấy cô đơn quá.

Sưu tầm

NỖI OAN CỦA CHỒNG

Vợ ơi, thật sự một điều, thật sự vô cùng, đó là chồng bị oan rồi! Nỗi oan to đùng. Oan kinh khủng. Là oan Thị Kính vợ à, không phải oan Thị Màu như vợ chụp mũ cho chồng đâu!

Khi bắt đầu đọc lá thư này, chồng xin vợ một điều, đó là đừng có xé phứt đi khi chưa đọc hết nổi một dòng. Giống như khi mình nói chuyện với nhau ấy, chồng chưa nói được trọn vẹn một câu thì vợ đã bằng mọi cách chặn họng chồng, bù lu bù loa lên, bắn liên thanh không ngừng, cấm cho chồng chen vào từ nào. Rồi cuối cùng là vợ bỏ đi không ngoảnh lại, để mặc chồng với câu nói còn chưa thoát ra hết khỏi miệng.

Vợ ơi, thật sự một điều, thật sự vô cùng, đó là chồng bị oan rồi! Oan to đùng. Oan kinh khủng. Là oan Thị Kính vợ à, không phải oan Thị Màu như vợ chụp mũ cho chồng đâu!

Tự dưng hàng xóm nhà mình chuyển tới một cô nàng xa chồng do chồng cô ấy đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Đó có phải là lỗi của chồng không hả vợ? Cô ấy có chân thì cô ấy chuyển đến, chồng nào có phải là tác nhân gây ra cái sự vụ ấy đâu. Thế mà ngay khi biết hoàn cảnh một mình vò võ của cô ấy, vợ về hậm hực, lườm nguýt chồng. Vợ bực mình, cằn nhằn, hạnh họe chồng đủ điều cứ như thể chồng mua nhà cho cô ấy ở đó vậy.

Vợ ơi, thật sự một điều, thật sự vô cùng, đó là chồng bị oan rồi! Nỗi oan to đùng. Oan kinh khủng (Ảnh minh họa)

Những ngày sau, ngày nào vợ cũng đánh phủ đầu và dằn mặt chồng: “Anh cứ liệu đấy, ngó nghiêng tí tởn là không yên với em đâu!”. Khổ quá, vợ không nhắc thì chồng cũng nào dám. Trước khi liếc mắt nhìn cô ấy một cái xem hàng xóm nhà mình mặt mũi ngang dọc thế nào để gặp ngoài đường còn chào thì chồng sẽ xin phép vợ đàng hoàng, vợ cứ yên tâm! Chồng là chồng quá hiểu tính tình của vợ rồi mà!

Ấy thế mà chồng chẳng hiểu sao, loằng ngoằng thế nào mà vẫn bị vợ kết cho cái tội tày đình: lăng nhăng! Những khi vợ la toáng lên vào mặt chồng là: “Anh là đồ dâm dê, thấy gái là tít mắt vào!”, chồng ấm ức lắm vợ ạ! Chồng thề là chồng nghe lời vợ dặn, đến cười với cô ấy còn không dám cười to huống chi là làm những việc tày đình như vợ nói.

Cái hôm chủ nhật, vợ đi mua sắm với bạn, khoán cho chồng ở nhà nấu cơm ấy. Khi chồng đang hăng hái băm băm chặt chặt thì cô ấy sang hỏi xin củ tỏi xào rau muống. Ừ thì hàng xóm ai nỡ keo kiệt một củ tỏi, nên chồng cũng chẳng suy nghĩ gì, cho cô ấy luôn. Còn cái chuyện vợ thắc mắc sao cô ấy lại ăn mặc ngắn trên hở dưới như thế thì chồng không biết đâu. Vợ đi hỏi cô ấy nhé!

Lại còn vì sao cô ấy cười tươi với chồng, nói ngưỡng mộ chồng là đàn ông mà đảm đang thì chồng cũng không biết nốt. Chồng có đi guốc trong bụng cô ấy đâu mà biết được cô ấy nghĩ gì. Lại còn chuyện chồng đã nghía ngắm vòng 1 hay cặp giò của cô ta chán chưa ấy hả? Cái vụ này thì thề có trời, chồng lúc ấy lo nơm nớp, chỉ sợ vợ về nhìn thấy cô ấy trong nhà mình lại bốc hỏa nên liên tục ngó ra cửa xem vợ về chưa. Còn tâm trí đâu mà ngắm cái gì nữa hả vợ!

Rồi lại đến cái hôm vợ đi trực đêm. Trước khi đi, nhìn thấy cô ấy đang tưới hoa ở cửa, vợ hằm hè, quát nạt bắt chồng khóa cửa ngay, cấm ló mặt ra khỏi cửa, kể cả cửa sổ. Chồng như dê con nghe lời dê mẹ, chốt chặt các loại cửa và cổng, tự nhủ phải đợi đúng vợ về gọi mới mở, đề phòng bị sói tấn công.

Nhưng ai mà ngờ được đúng tối đó, cô ấy bỗng lên cơn đau bụng, có khả năng rất cao là đau ruột thừa. Cô ấy chạy sang đập cửa nhà mình uỳnh uỳnh, kêu than ầm trời. Chồng ở trong nhà, nghe thấy tiếng cô ấy mà run như cầy sấy, chẳng được bình tĩnh như các chú dê non trong chuyện đâu. Chồng sợ lắm, mở cửa ra lại bỗng nhiên vợ về như hôm trước thì chồng có 10 cái miệng cũng không giải thích nổi. Một vụ hôm trước là chồng tởn tới già rồi.

Nhưng nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại, cô ấy ở một mình, đêm hôm khuya khoắt lại bệnh tật bất ngờ, bần cùng mới phải sang cậy nhờ nhà ta. Mình lại làm ngơ thì có phải là nhẫn tâm quá phải không vợ! Nhất là chồng lại là ông xã của một cô bác sĩ yêu nghề. Vợ lúc nào chẳng bảo chồng, làm người thấy chết mà không cứu thì là bất nhân, làm bác sĩ lại càng phải quên mình vì người bệnh.

Thế là sau một hồi im re giả đò đã ngủ say, chồng lịch kịch mở cửa ra gặp cô ấy. Vừa sang nhà cô ấy, định đợi cô ấy lấy vài thứ đồ rồi gọi taxi vào viện thì bỗng dưng cô ấy… hết đau. Chồng thở phào, nhẹ cả người. Nhưng cô lấy lại sợ sẽ còn đau tiếp nên giữ chồng ngồi lại, uống chén nước, tiện thể theo dõi nếu không còn đau nữa mới yên tâm được.

Chồng chẳng muốn tí nào đâu, nhưng nghĩ bụng, lát nữa về mà cô ấy lại đau thì vẫn phải chạy sang nên thôi thì cố ngồi đợi thêm tầm 15 phút cho đỡ phải chạy đi chạy lại. Mà nói thật với vợ, chồng như ngồi trên đống lửa, mông như mọc gai mặc dù ngồi uống trà nóng thơm đấy, nghe cô ấy cười nói đấy, nhìn cô ấy mặc mát mẻ đấy (cái chi tiết này là sau này vợ đay đi đay lại nên chồng mới nhớ chứ lúc ấy chồng không có ý niệm gì luôn). Chỉ mong nhanh nhanh qua từng phút để lấy cớ chuồn về.

Chồng khổ não lắm vợ ạ! Chỉ mong vợ cho một cơ hội để giãi bày mà khó như lên giời ấy (Ảnh minh họa)

Nhưng cái số của chồng đúng là số ruồi bâu vợ ạ. Cô ấy đau bụng hôm nào chả đau, lại trúng hôm vợ đi trực. Rồi vợ nhờ cô bạn trực hộ hôm nào không nhờ, lại đúng hôm cô hàng xóm bị đau bụng. Thế là điều kinh khủng khiếp nhất mà chồng sợ hãi tột đột đã xảy đến: Vợ về, bắt gặp đúng lúc chồng đang bên nhà cô ấy. Hai người ngồi nói chuyện thân mật, nhìn nhau tình chàng ý thiếp, cô ấy ngượng ngùng khi bị chồng soi những chỗ thiếu vải (nguyên văn lời vợ).

Dông tố nổi lên trong nhà mình. Cuộc đời chồng xuống dốc không phanh. Vợ sau khi ném vào mặt chồng một tràng dài dằng dặc những lời mắng mỏ, phỉ báng không thương tiếc thì bịt tai kín như bưng, không thèm nghe chồng nói lấy một lời. Một tuần rồi, vợ nhìn chồng như nhìn… đống phân bốc mùi. Chồng tìm mọi cách cũng không khiến vợ lay động mảy may.

Chồng khổ não lắm vợ ạ! Chỉ mong vợ cho một cơ hội để giãi bày mà khó như lên giời ấy. Đến quan tòa phán tội còn cho phép bị cáo cơ hội bào chữa cơ mà! Vợ ơi, một lần thôi, hãy cho chồng được nói hết. Và thề với trời với đất, với thần phật các phương: chồng bị oan vợ à!

Chuyện chôm trên mạng

ĐỪNG BAO GIỜ NGÃ GIÁ VỚI YÊU THƯƠNG

Cảm ơn Tím đã chia sẻ cho mình một bài viết, Đừng bao giờ ngã giá với yêu thương, đọc bài viết có rất nhiều sự tâm đắc, hạnh phúc đâu phải thứ chìa tay xin, dù có van nài thì cũng chỉ là sự bố thí, nếu dọa nạt để có được sự yêu thương thì là điều thật đáng khinh thường, những điều mình muốn xúc phạm người khác thì người bị xúc phạm trước tiên là chính mình.

“Đừng mặc cả để trao cho nhau những hạnh phúc. Toan tính thiệt hơn, chần chừ rồi nghi ngại, thương yêu sẽ rớt rơi dần, và biến mất lúc nào chẳng hay…”

“Không ai muốn đời mình rơi vào những nuối tiếc, thế nên, đừng ném nhau bằng những gai góc hằn học, đừng để yêu thương như nắm cát trôi qua kẽ tay hững hờ…”

“Đừng bao giờ mang nước mắt để so sánh nỗi buồn của nhau. Có thước đo hoàn hảo nào cho những vết thương lòng sâu hoắm? Đừng nghĩ chỉ mỗi mình buồn mà người ta không hề hụt hẫng. Đừng nghĩ chỉ mỗi nước mắt mình biết đắng, phía sau đó còn là tổn thương chất chồng của một người khác mà họ không hề nói ra.”

Đừng đặt nỗi buồn của chính ta lên vai một kẻ khác. Chúng ta yêu một người chân thành, với hết những gì chúng ta có thể, không phải để nghĩ rằng “họ phải ơn ta”… nên chúng ta không thể dùng bất cứ thứ gì để níu kéo một người không còn yêu ta nữa, càng không thể có quá lắm chiêu trò để gìn giữ tình yêu. Chúng ta chỉ có thể chân thành yêu, và mong rằng người chúng ta yêu đủ tinh tế để hiểu, và hiểu đủ để bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ sẽ đến.

Chúng ta vĩnh viễn không cầu xin niềm vui từ một kẻ khác, hạnh phúc có chân sẽ đến với những người xứng đáng và bỏ đi với những kẻ không biết học lấy cách nâng niu.

Và cũng đừng bi lụy tình yêu như thể nó là cả sự sống.

(Bài này sưu tầm)

P/S: Đừng bao giờ ngã giá với thương yêu và ngã giá với chính bản thân. Ai cũng có quyền được hạnh phúc theo cách mình muốn, yêu thương là cố hữu trong trái tim mình chứ đâu phải ở trái tim gai góc của kẻ chiêu trò, và đừng bao giờ để cái số điện thoại đẹp của bạn là số sim rác của người khác.

Không ai có quyền dập tắt ước mơ và trái tim khao khát yêu thương của ta, ngoại trừ chính bản thân ta cho phép điều đó. 

Nguồn: Chị Hoa Mua

Khải Đơn: 500Đ KẸO CỦA MẸ

Năm tôi học lớp 2, nhà tôi chuyển lên thành phố ở. Ngôi nhà vừa xây xong, tiền của cả nhà đã cạn. Tôi vẫn còn nhớ năm đó, mùa mưa đến, cả nhà tôi không có cửa kính nào, cứ mưa xuống là nước mưa ướt hết cả nhà, trừ cái bếp vì…nó không có cửa sổ.

Suốt năm đó, nhà tôi không có cửa sổ, mưa nhiều, và mẹ không có việc làm. Chị em chúng tôi lại bắt đầu đi học. Lúc ở quê, ngày nào đi học tôi cũng xin mẹ 500đ để mua kẹo và mẹ luôn hào phóng cho. Có lẽ đó là cách mẹ động viên hai chị em đi học.

Nhưng năm đó, tôi cứ ngồi nhìn cái cửa sổ không có kính và nghe ba mẹ nói thầm với nhau về việc mẹ sẽ kiếm tiền bằng cách nào, tôi lại không dám mở miệng xin mẹ tiền. Hình như lúc ấy tôi cũng lờ mờ đoán được nhà mình không có tiền.

Một bữa nọ, tôi đi chơi trong xóm về, thấy cái hàng tạp hóa bán một loại kẹo mút hình con gấu. Tôi đã đứng nhìn cái hộp cắm kẹo mút đó rất lâu. Có vài buổi trưa, khi đi học về với bạn, tôi lại cố ý ngoái nhìn xem cái hộp kẹo đã vơi đi bao nhiêu cây, thỉnh thoảng thấy xót ruột vì có ai đó đã mua mất một con gấu trong cái lọ đó.

Dần dần, khi cái hộp kẹo của hàng tạp hóa kia gần hết, lòng tôi càng xốn xang hơn và tôi càng bị thôi thúc bởi cái ý nghĩ xin tiền mẹ mua kẹo nhiều hơn. Bao nhiêu sự cản trở, sự lo lắng và cả những lời thầm thì của ba mẹ cũng bay biến đâu mất. Sự “can đảm xin tiền” hình như phình to lên trong cái bao tử của tôi.

Một buổi trưa nọ, tôi cầm 1000đ của mẹ để đi mua hành về cho mẹ nấu canh. Hành chỉ hết 500đ, tôi còn được thối lại 500đ thừa để mang về. Tôi đưa tiền cho mẹ mà tiếc rẻ mãi, nhưng lúc ấy tôi cũng không dám thốt ra được lời xin nào cả.

Đến trưa, cơn thèm kẹo nổi lên, tôi thu hết can đảm nói: “Mẹ cho con 500đ mua kẹo mút đi!” – Mẹ im lặng ôm tôi vào lòng, chậm rãi nói thầm: “Mẹ hết tiền rồi, con đi học đi!” – Tôi quay đầu ra khỏi nhà mà tự dưng thấy áy áy, ân hận vì tự dưng… thèm quá mà bật ra cái nhịn bao lâu rồi.

Trưa đó đi ngang qua hàng kẹo mút, tôi nhìn cái kẹo con gấu mà chả còn thấynó đẹp hay ngon tí nào nữa. Trời nắng to, tôi lủi thủi đi hoài không thấy tới trường, đầu óc cứ nhớ hoài đến câu mẹ nói: “Mẹ hết tiền!” – sau lưng cứ thấy mẹ nhìn theo hoài mà hổng nói câu nào.

Mấy ngày sau đó, bỗng nhiên mẹ gọi tôi lại, lấy tờ 500đ nhàu nhĩ hôm bữa tôi mua hành trả, đưa cho tôi và dặn: “Con đi mua đi, nhưng đừng mua kẹo mút, mua 5 cục kẹo, con 3 cục, cho em 2 cục nữa!”

Đã mấy tháng trời không ăn kẹo, dù có là kẹo gì thì 500đ đó đúng là thiên đường. Tôi chạy như bay ra bà tạp hóa, không dám ngoái nhìn kẹo mút hình con gấu mà nhanh nhảu nói bà vốc cho 5 viên kẹo để cầm đầy hai tay. Thằng em háu ăn của tôi được 2 viên, tôi 2 viên, và mẹ cũng được tôi cho 1 viên kẹo nữa. Hôm đó ba mẹ con ngồi ăn kẹo rất vui.

Nhiều năm sau này lớn lên, tôi vẫn không quên được ngày tháng đó, mẹ không có việc làm nhưng lại chi tiêu rất giỏi. Dù ba phải nuôi cả nhà, nhưng mẹ chi tiền rất cẩn thận, bữa cơm ba cha con tôi luôn có món mặn, món rau, ăn no bụng dù còn eo hẹp. Tôi cũng nhớ mẹ đã đi mua cả lọ kẹo về để trong nhà, mỗi bữa ăn xong phát cho hai chị em vài viên, ăn cả tháng trời không hết và tôi cũng chẳng còn phải ngoái nhìn cái kẹo mút con gấu mỗi khi đi học về nữa.

Trong những năm tháng khó khăn, ngôi nhà không có cửa kiếng của chúng tôi dù mưa tạt khắp nhà, nhưng ba mẹ con vẫn có thể đùa giỡn cả ngày, vui vui thì mẹ lại vào bếp, nhón một viên kẹo để vào tay mỗi đứa.

Đó là những ngày của kẹo 100đ một viên và những bữa ăn thu vén khéo nhất trên đời của mẹ.

Đôi khi người ta có thể rất nghèo mà vẫn vui suốt cả ngày như vậy…

Nhưng không vì vậy mà thích nghèo hoài đâu nha.

TGGĐ

NẾU BẠN MUỐN CÓ NGƯỜI YÊU NGAY LẬP TỨC!

Vì sao gặp bao nhiêu người, bạn vẫn chưa ưng cùng ai? Vì sao bao nhiêu chàng được giới thiệu, bạn đều né tránh họ bởi chẳng mấy cảm tình? Vì sao cứ Tết đến bạn phải dốc sạch túi vì tiền mừng tuổi lũ nhóc của bạn bè, mà tự hỏi lòng bao giờ mình mới… thu hồi vốn? Vì sao người ta sóng đôi đi ăn đêm còn bạn ôm gối một mình ngồi xem tivi mỗi cuối năm này tới cuối năm khác? 

Để chấm dứt tình trạng độc thân, cực dễ dàng, bạn chỉ cần làm 1 việc trong vòng 3 giây thôi! Để tìm ra chồng tương lai, cũng chỉ cần 3 giây thôi! Vấn đề là bạn có dám làm cái việc 3 giây đó hay không?

1. Vì sao bạn vẫn đi về một mình?

Tuổi 16 – 20, những cô gái trẻ thích mùa thu hơn mùa đông, thích mùa xuân hơn mùa hạ, thích mùa gió hơn mùa mưa. Đơn giản là bởi, chúng ta thích những không gian gợi nhớ đến nỗi cô đơn ngọt ngào. Gặm nhấm sự lẻ loi trên mỗi con đường về vắng người hay đông xe cũng có thể dễ khiến ta mơ mộng đến một người nào đó đến bên, với hơi ấm cầm tay.

Sự cô quạnh ngọt ngào đó kết thúc nhanh chóng ở tuổi 20. Vì ta bắt đầu sốt ruột, sao đã 20 mà vẫn chưa ai ngỏ lời, chưa thấy ai đến bên chân thành? Trong đám bạn gái ở trường đại học, có những đứa đã trải qua vài mối tình hoặc đang say đắm với anh người yêu, với mối tình thắm thiết hay sét đánh nào đó nổi tiếng toàn trường, khiến bạn càng sốt ruột. Lác đác đã có bạn bè gióng tiếng rằng, chỉ đợi tốt nghiệp đại học là “anh ấy” sẽ cưới tớ! Trong khi tiến độ hò hẹn của bạn mới chỉ dừng ở đoạn, quen nhau trong bữa tiệc sinh nhật bạn bè và nhìn nhau mỉm cười, về nhắn tin rồi add nick của nhau trên facebook.

Bạn quên mất là những cô bạn “đắt sô” yêu đương ấy chỉ chiếm 1% trong đám nữ sinh chung quanh. Còn tới 99 cô khác đang trong tình trạng vô tư hoặc nóng ruột trước tình yêu như bạn! Nên có nóng ruột cũng không thể bắt tình yêu chạy đến bạn thật nhanh như món quà được gửi chuyển phát nhanh.

Nhưng, điều ấy chẳng phải lý do làm bạn không có được người yêu vào tuổi 21, 22, thậm chí 25. Vậy lý do thực sự là gì? Hay tình yêu là người đưa thư đãng trí, đã mang chàng trai năm mới của bạn trao nhầm cho cô gái khác?

Tôi không biết bạn là ai. Tôi đoán bạn ở tuổi 25 và chưa yêu hoặc chỉ có vài kinh nghiệm không mấy sâu sắc về tình yêu ngắn ngủi đã kết thúc từ rất lâu rồi. Bạn đang ở chế độ chờ đợi một người con trai mới, một chuyện tình mới, một yêu thương đủ để tin cậy dài lâu. Nên tôi thử mô tả chân dung bạn thế này:

– Bố mẹ bạn nhắc nhở: Lớn rồi đừng để bố mẹ phải nhắc nhở nhiều nữa. Bố mẹ cho ăn học bao nhiêu năm, cũng đàng hoàng tử tế có kém gì ai. Thế thì đừng có yêu thằng nào vớ vẩn, phải chọn đứa tử tế, có công ăn việc làm đàng hoàng, nhớ chưa!

Bạn có biết vấn đề nằm ở chỗ, tất cả mọi ông bố bà mẹ của mọi chàng trai cô gái đều nói câu ấy hay không? Họ nói không sai, nhưng tai hại cho bạn ở chỗ, bố mẹ luôn mặc định bạn thật là đàng hoàng tử tế, bạn là chuẩn mực, chỉ có xã hội này đầy rẫy những kẻ không ra gì, phải tránh chúng nó ra.

Công việc đàng hoàng là gì? Là lương 10 triệu và có đóng bảo hiểm y tế, có biên chế trong cơ quan nhà nước? Thế những người lương 20 triệu bảo những kẻ kia thiếu chí tiến thủ thì sao? Thế những người bằng cấp đầy mình lại cho rằng, lượng tiền trong túi chẳng chắc đo đếm được sự tử tế đàng hoàng của người đàn ông thì sao! Mà người lương 50 triệu thì họ sẽ nhìn bạn thế nào?

Rõ ràng, một khi bố mẹ muốn bạn kiếm người hơn bạn nhiều thứ, thì thực tế cái người “hơn bạn nhiều thứ” ấy lại đang hướng tới một cô gái phải có nhiều điều kiện tốt hơn bạn, chứ hoàn toàn không phải bạn!

– Người quen bạn bè thường an ủi bạn: “Chắc em kén quá chứ gì!” Hoặc cũng có người bỡn cợt: “Yêu ai cũng thế, yêu anh, anh cảm ơn!”

=> Khi người ta nói với bạn rằng “Chắc em kén quá chứ gì!”, họ hoàn toàn không hề có ý an ủi bạn. Mà họ đang ngấm ngầm mỉa mai bạn đấy! Bởi thực ra trong mắt họ, bạn chẳng có nhiều ưu điểm như bạn tưởng tượng về bản thân! Ý nghĩ thực của họ là: “Gớm, “vốn liếng” có thế thôi mà kén chọn làm gì. Cứ tưởng mình có giá lắm sao! Kiếm lấy người “vừa tầm” đi thôi chứ, đừng có viển vông!”. Họ nghĩ về bạn khác hẳn bố mẹ bạn nói về bạn.

Nhiều người đều tin rằng, tình yêu là cái duyên, mà phải có duyên mới nên đôi lứa. Duyên là do trời định. Tôi lại nghĩ, chính bạn tạo ra cái duyên ấy. Bởi tâm thế cao ngạo mà bố mẹ và bạn tự trang bị, cộng với thực tiễn xám màu của bạn (trong mắt người khác) đã hình thành nên một bộ lọc rất khắc nghiệt, lọc hết những kẻ lai vãng không “môn đăng hộ đối” ra khỏi tầm quan sát của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ví dụ dễ hiểu thế này thôi: Bạn luôn xỏ chân trong giày da thì bạn khó chấp nhận được một anh chàng đi dép nhựa tái chế đến nơi hẹn hò. Bạn là thành viên tích cực của diễn đàn văn học trên mạng Internet thì bạn khó cảm tình ngay lần đầu tiên với anh chàng đang úp sách lên mặt ngủ. Trong khi, có thể, trong mắt những người ấy, những ưu điểm mà bạn có thực ra lại chính là nhược điểm.

Chúng ta đã đặt quá nặng những “điều kiện” lên trong tình yêu. Ví dụ như: đồng điệu tâm hồn, môn đăng hộ đối, cùng dân ngoại tỉnh dễ thông cảm với nhau hơn, sở thích tương đồng, nhan sắc ngoại hình phù hợp… Hoặc hoành tráng hơn thì là “đại gia” xứng với “chân dài”, “gái đảm” xứng với “trụ cột gia đình”, “con nhà tử tế” hợp với “đẹp trai hiền lành chí thú làm ăn” v.v…

Nhưng, nếu yêu đương là sự kết hợp phù hợp và xứng đôi vừa lứa như thế, thì tình yêu đó là sự đổi chác với nhau chứ đâu phải là tình yêu? Bạn cho rằng bản thân mình có “giá” như thế này, và phải xứng với một chàng/nàng có “giá trị” như thế kia mới xứng đáng. Thì thứ tình yêu đó là phi vụ đi buôn “Một vốn – Một lời”, đúng theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Nên bạn cô đơn chẳng phải vì bạn không muốn yêu hay chưa ai yêu bạn, chỉ là bạn quan sát chung quanh và chưa thấy đối tác tình cảm nào sinh lời được cho bạn mà thôi! Nên bạn chẳng đầu tư tình yêu vào ai!

Trang Hạ

(đón xem tiếp phần 2: Hò hẹn tốc hành)

Thắm: TỈ TÊ CỦA GÁI XẤU #1

Sớm nay gái xấu nghe câu này: Anh giờ khác xưa nhiều rồi nhé. 

Mười mấy năm quen biết, gái xấu chỉ chưa ngã vào lòng anh vì… mắt anh ướt rượt, lông mi cong vút. Anh không hẳn là đẹp trai, nhưng đẻ ra con mà giống anh thì chúng nó xinh phải biết. Bây giờ anh vẫn chưa lấy vợ, gái xấu tự nhủ, hay là… 

Bỗng nhiên anh nằng nặc bắt đi nghỉ mát với công ty anh, chung phòng chung giường với anh. Gái xấu ngần ngừ mãi, anh bảo ngại thì thôi hai đứa đi riêng. Gái xấu bảo chẳng lẽ có mỗi hai đứa 24/24 dính với nhau chán bỏ mẹ, gái xấu chả bao giờ đi chơi xa với giai nào, anh bảo thế thì đi gần gần thôi lúc nào chán là tếch về HN ngay, Tam Đảo chẳng hạn. Gái xấu chưa quyết định, anh lại giơ thẻ bơi ở Thắng Lợi ra rủ rê chỗ này cho gần vậy. Gái xấu gầm lên! 

Từ đầu hè đến giờ anh suốt ngày bi bô cái bể Thắng Lợi bé bằng mắt muỗi nhưng hàng họ cũng khá khẩm, anh còn kể một hôm mát giời chẳng ai muốn bơi nhưng thích không mặc gì nằm phơi ở thành bể bơi, anh dắt theo 2 gái chân dài ngon nghẻ đi cùng, anh gọi điện rủ thằng V. bạn chúng mình đi cho nó chọn một em mà nó lại mải tập gym không buồn đi… Gái xấu chửi thề, chó má, lôi con gái xấu này đi làm hề ở chỗ gái đẹp à? Anh bảo quan trọng gì, muốn học bơi thì đi. À ừ nhỉ, gái xấu nhớ ra mãi không biết bơi, gái xấu vẫn luôn đổ tội cho đôi chân ngắn ngủn khiến gái xấu khó khăn trong việc đạp dưới nước. Thế là gái xấu ngần ngừ… Nhà anh có bể bơi riêng thì có phải hay không! Có bể bơi riêng mà gọi gái xấu đến tập bơi là đến ngay, vì khỏi lo ai dòm ngó vú lép bụng xổ chân ngắn, anh hiểu không? Nhà anh không có bể bơi mí đau, nhưng anh hứa đi với anh tập đạp chân khua tay trên cạn cho thạo là vứt xuống biển không chết đuối. Công nhận… gái xấu choáng váng… mười mấy năm anh là một con gà, giờ anh ăn nói hổ báo như ai! 

Mỗi tội là mười mấy năm trời mày-tao, bây giờ tình cảm thì chẳng nhẽ vẫn xưng hô như vợ chồng A Phủ? Anh chừng như hiểu tâm tư gái xấu, anh vẫn chờ gái xấu chọn chỗ đi chơi xa, anh còn bảo “cứ đi đi, ở đấy chán cũng chả sao, quan trọng là sau đấy về HN có gì xảy ra không í chứ“. Ừm, chắc là về HN sẽ đi gặp bác sĩ hỏi xem đã xưng hô “thầy nó ơi” mí lị “bu nó ơi” được chưa… Gái xấu tự nhủ, không biết có nên tin cái lý thuyết con đẹp giống bố con khôn giống mẹ không nhỉ? 

Mọi thứ của anh có vẻ thay đổi ghê gớm thật, nhưng cái gọi là “bô trai” thì không. Mắt anh vẫn ướt rượt, lông mi vẫn cong vút. Chẳng nhẽ vì thế mà, mười mấy năm từ lúc chưa phát dục đến lúc biết rủ gái đi chơi xa chung phòng chung giường, mắt anh nhìn gái xấu thành ra gái yêu? 

Mỗi tội anh chưa bao giờ khiến gái xấu rung động, anh vẫn mãi là một thằng bạn dễ thương mà thôi. Bây giờ mà gái xấu đi với anh thì chỉ vì động cơ đen tối của một gái già đang muốn tẩm bổ bằng cừu non, bọn bạn chúng mình sẽ bảo thế. Nếu đi với anh thì thật là tội nghiệp anh biết bao nhiêu! 

Phải chi mình là gái xinh, bõ công anh bị lừa cũng chẳng ai nói năng gì…

Nguồn: Thư Chị Thắm

XIN CHÀO THÁNG 12

Tháng 12 nằm mong manh giữa biên giới thương và nhớ, mong manh bởi cây cầu nối Gió Mùa Đông. Đoản khúc thời gian bước đến bến đợi cuối cùng của một năm chợt dừng lại nhặt chút hoài niệm gửi tới người một góc phố, nơi người đã từng đi qua mà quên không mang theo.

Tháng 12, ngoái nhìn lại phía sau để thấy hiện hữu một khuôn mặt và nhớ thầm về những buổi chiều tan phố. Dòng chảy cuộc đời vẫn ngang qua, ừ, sao không cất đi những “cái giật mình” cho tình mình thêm nồng ấm và tha thiết với nhau hơn, bởi nếu phải chọn lựa giữa vô cảm và tình người em chắc rằng người cũng sẽ chọn tình người như em thôi.

Bởi những ai chưa từng đi, chưa bao giờ từng sống qua những ngày mưa nắng, chưa bao giờ từng để trái tim ngân lên trước tình yêu và vẻ đẹp thánh thiện, hoang sơ của thiên nhiên, chưa bao giờ từng nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của cuộc đời.

Tháng 12 đã về nghịch đùa trên những cành cây. Em nghe từng cơn gió Mùa Đông ngang qua. Em vẫn nghe tiếng hoài niệm, ngày tháng chất chồng, người nhạt nhòa phai dấu. Dặn lòng giữ yên mà sao ngăn không được, cảm xúc ngày xưa cứ trở về gửi theo chút bùi ngùi, nhớ mong.

Tháng 12 đến, tàn những cuộc vui trở về, em còn lại với bâng khuâng. Người ta không thể sống khác với nội tại và lạc mất mình. Mọi thứ trên đời này đều hữu hạn, ngày hôm qua, hôm nay và mai sau… Chẳng ai có thể chắc chắn rằng mình đã vui bao nhiêu? Yêu nhiều như thế nào? Rồi tháng ngày nào sẽ xa nhau, tháng ngày nào gặp lại?

Tháng 12, em góp nhặt niềm vui bỏ vào chiếc hộp thắt nơ gửi tặng một người trót đa mang hoài cảm. Rồi mùa sẽ đi qua, cơn gió Mùa Đông sẽ rơi vào thinh không, nhường chỗ cho mùa xuân óng ánh. Ngày đêm tiếp nối. Cuộc đời sẽ đơn điệu và tẻ nhạt nếu như không có những niềm vui, nỗi buồn, nhớ mong và tha thiết? Nên mong nhớ này, em vẫn gói ghém gửi tới người, yêu thương.

Và, mừng tháng 12, một mảnh ghép cuộc đời góp phần tạo nên em ngày hôm nay, xin cho một ngày được ru mình trong nồng nàn yêu thương, cảm ơn người đã cho trái tim em được ngân lên, được đập rộn ràng và được khắc khắc khoải nhớ thương và cả biết thế nào là lạnh buốt trước cơn gió Mùa Đông. Những cảm xúc ấy cho em biết em đang được sống, được trải nghiệm và hoàn thiện chính mình. Xin cảm ơn người về tất cả, và xin được gói ghém tất cả hoài niệm bỏ vào chiếc hộp hoa hồng gửi tặng SN người bằng giọng hát xa xôi:
Tháng 12, em góp nhặt niềm vui bỏ vào chiếc hộp thắt nơ gửi tặng một người trót đa mang hoài cảm.

Nguồn: Chị Hoa Mua

NỖI KINH HÃI CỦA MỘT CƠN SAY NẮNG

Tôi từng thầm khấn nguyện giữ đời sống tình ái thanh sạch cho sự an nhiên của đời mình, cho tới ngày nỗi cô độc xô đổ tôi vào vùng tối.

Đơn độc ngay cạnh chồng

Đó là những tháng ngày tôi ngoài ba mươi tuổi. Gia đình như guồng đều đặn vận hành mỗi ngày. Lòng dạ chồng không thay đổi gì nhưng đã xuất hiện một khoảng cách tâm hồn giữa hai đứa. Muốn xiết bao vài khoảnh khắc riêng tư đâu đó, hay dăm phút trước khi thiếp vào đêm để cùng rủ rỉ những mắc mứu cuộc đời mà tôi cần người đàn ông của mình chia sẻ. Tôi thử gợi ý một khoảnh riêng tư vợ chồng nhưng anh cứ thích phải có con bên cạnh, phải cơm nhà tối tối thay vì vợ chồng tung tăng ra quán chút xíu. Anh viên mãn và tôi hao mòn, đơn độc ngay cạnh anh.

Tự nhủ đang đòi hỏi anh nhiều quá, nỗi trống trải sẽ qua đi vì tôi vốn là người ham hiểu biết, có đời sống bè bạn, công việc phong phú. Những lo toan thường nhật cũng sẽ chẳng cho buồn vô cớ mãi.

Nhưng những khoảnh khắc cô độc vô cớ cứ ngày càng lấn phần niềm vui sống mà tôi cố vun vén. Tôi sống phân thân. Bề ngoài xúng xính váy áo, nói cười, lo toan tất bật cơm áo, con cái, giao tiếp, phấn đấu học hành và bên trong là một người đàn bà hoang mang vì nỗi buồn không tên.

Tôi ráo riết tìm cách thoát khỏi tình trạng “đánh mất mình”. Song dù buôn chuyện với bạn bè, lao vào công việc, vào thú vui nội trợ, con cái… thì vẫn không thoát nổi. Mình mắc bệnh đa nhân cách chăng? Tâm sự với bạn, ai cũng bảo có sao đâu, đừng tự ám thị mình. Tôi sợ ở một mình vì sẽ rơi ngay vào tình trạng không sức sống. Cô đơn ngay giữa lòng mình, nói thế vẫn là chưa đủ.

Và bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái

Vẻ mặn mà thiếu phụ của tôi cuốn hút từ nửa kia nhân loại những lời có cánh, những ánh mắt khát khao, những lời ngỏ mong muốn gần gũi tinh thần, thể xác. Chẳng có lý do gì để ngoại tình, chồng cũng là đủ cho đời sống chăn gối. Tôi giữ lời khấn nguyện từ ngày trẻ và hơn tất cả là không muốn làm đời mình thêm mệt mỏi, rắc rối.

Một vài cô bạn bắt đầu phiêu lưu tình ái. Lúc tưởng bạn tìm thấy tình yêu đích thực muộn mằn, lúc bạn lại vật vã dưới vực sâu tổn thương. Nhưng ai cũng bảo thế còn hơn vô cảm như tôi…

Bất lực trong cuộc chiến với nỗi cô đơn ma ám, tôi bắt đầu nghĩ phải chăng thứ ái tình ngoài luồng ấy sẽ là thuốc đưa ra khỏi vùng không trọng lượng?

Dần dần tôi đủ liều lĩnh nhận lời đi tâm sự ở quán nước với một đồng nghiệp đã nhiệt thành chờ đợi tôi từ lâu. Tôi chỉ định “thêm một chút để cân bằng một chút” chứ không muốn gì xa hơn. Cố kiên nhẫn nghe lời tán tỉnh nhạt tênh của anh để xem thuốc mới này có giã được tật không, tôi dần thấy mình có nhu cầu tâm sự cùng anh những buồn vui không kể được với chồng.

Tình ái hóa ra chỉ là cơn gió hoang vô nghĩa chứ không phải như người đời tô vẽ… (Ảnh minh họa)
Tự tin đủ tỉnh táo để không phản bội chồng, tôi ung dung tiếp tục thứ quan hệ vừa tri kỷ vừa tình tứ này. Riết rồi trong chuyến công tác vùng biển, chuyện đi xa hơn vì anh quá đỗi ân cần… Thêm vài lần đi nhà nghỉ khi về lại thành phố. Tôi chả vui sống gì hơn khi đã là tình nhân thực thụ của nhau. Mỗi lần gặp đều ngầm là hẹn lên giường chứ chẳng còn sự thanh thản tinh thần như xưa. Anh cần mà tôi chẳng muốn. Tôi thưa thớt dần, lánh xa cuộc tình vô cảm.

Thế là thuốc đắng không giã tật. Lạ là không thấy cả nỗi day dứt vì phản bội chồng, điều trước kia tôi tưởng sẽ dày vò mình ghê lắm. Nhưng tôi nuối tiếc sự giản dị của đời sống khi soi vào mắt con trong veo. Chấp nhận buông xuôi theo dòng cô độc.

Nỗi kinh hãi của một cơn say nắng

Tôi lên mạng, tham gia một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ. Những trao đổi về con trẻ tưởng chừng vô hại lại cuốn tôi vào cảm giác cần chuyện trò chia sẻ mọi góc nổi, góc chìm trong cuộc sống với người đàn ông cùng thành phố. Chúng tôi bị hút vào nhau từ khao khát tinh thần được đáp bù tới rung động thân xác không lường trước. Lời nguyện lại bị bước qua. Như thể lần trước chỉ là liều vắc xin vô hiệu khiến cơn say nắng phát mạnh hơn.

Sau hơn một tháng say sưa trao và đáp, cơn hoang hoải quay về. Tôi sực tỉnh, mục đích lại không đạt được.

Sự vô cảm thêm một nấc xa hơn. Trước đây còn có một giá trị để tôn thờ, để tự hào về mình và tình yêu với chồng, giờ tôi đã đánh mất nó mà không có cả cảm giác ê chề hay hối hận. Thực chất là tôi đánh mất tôi thêm mà chả có gì để bao biện và cũng không hề có nhu cầu bao biện. Trống rỗng toàn bộ. Tình ái hóa ra chỉ là cơn gió hoang vô nghĩa chứ không phải như người đời tô vẽ.

Đọc thêm »