NGƯỜI ƠI…MỖI LÁ THU RƠI LÀM TA BÂNG KHUÂNG…

LâmTrực@



Người ơi, mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng

Như áng mây chiều lan trong sương

Bước chân âm thầm lòng buồn như thời gian

Nghe chăng thu ơi, để lá rơi chi hoài
Gợi niềm thương nhớ ai nhiều…



Tự nhiên… sến, đắm đuối với bài hát này. Sáng đi Thuận Thành giảng bài, vừa lái xe vừa hát rất sướng. Gần đến nơi rồi vẫn hát mê say. 

Có lẽ vì mình được sinh ra vào mùa thu, nên lòng luôn bị ám ảnh bởi những cuộc chia ly, hợp tan và tình lỡ… cách xa. Như là thú đau thương, nghe Hai vì sao lạc thấy thấm đẫm niềm thương tình yêu trong xa cách. Tình yêu cháy bỏng trong trái tim thực ra chỉ có mình ta biết, những bước chân âm thầm da diết nhớ cũng chỉ mình ta hay. Thấy cái sự chia ly sao mà nó đẹp đến kỳ lạ. Đẹp như chiếc lá thu vàng xa cành vẫn còn lưu luyến niềm thương đời trong gió…

Hôm nay trời nhiều mây, lại xa các em học viên xinh đẹp, sến một tí, bàng bạc một tí cho đỡ nhớ nhung. 

VĂN HÓA ÂM NHẠC ĐANG SUY DINH DƯỠNG


Người Việt vốn là một dân tộc yêu thích ca hát. Tục ngữ có câu: “Hát hay không bằng hay hát”. Điều đó chỉ ra sở thích, cũng như thị hiếu thẩm mỹ của người dân nước ta nói chung.
Có lẽ, xuất phát từ sở thích hay sở trường này mà hầu hết các loại hình nghệ thuật ở nước ta, từ dạng thức tổng hợp như Tuồng, Chèo, Cải lương cho đến hát Bóng rỗi, hát Bả trạo, hát Bài chòi, hát Đưa linh… thậm chí cả nhạc đàn, như nhạc Tài tử, nhạc Thính phòng, Nhạc lễ, nhạc không lời trong các quán bar, vũ trường… đều có khuynh hướng hoặc trực tiếp liên quan đến ca hát.
Trong nhiều thể loại văn nghệ dân gian, mỗi vùng miền đều có đặc sản riêng. Công tác điều tra tổng thể vốn di sản này chưa bao giờ có được kết quả cuối cùng, cho dù dừng lại ở việc định lượng. Trong khi đó, ở lĩnh vực nhạc đàn tuy đã có nhiều nỗ lực đáng kể, song vẫn chưa thể cải thiện được tình hình. Vượt lên trên hết, người dân ta vẫn thích nghe hát hơn. Sự du nhập nhiều loại nhạc cụ (cổ truyền cũng như hiện đại), cộng thêm sản phẩm do chính người Việt sáng tạo ra như cây đàn bầu, đàn đáy… thì nhu cầu trước hết và sau cùng vẫn không nằm ngoài việc thông giao cùng giọng hát. Mối quan hệ rối rắm, không thể phân tách giữa đàn và hát khiến cho mọi loại hình nghệ thuật đều xoay quanh trục ca là chính. Nhạc cụ du nhập hay ra đời có xu hướng mô phỏng, phối hợp với giọng hát. Ở nhiều nhạc cụ, dây đàn thực chất hình thành trên sự phỏng chiếu theo “giây thanh đới”, từ đó, tiếng đàn chính là bóng phản của tiếng hát. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cây đàn Đáy có cần khá dài, mặc dù phía trên đầu cần đàn không hề gắn phím định âm, người đàn cũng không thể vươn tay ra tới đầu cần trong tư thế ngồi đàn. Đàn tỳ bà cổ truyền xưa cũng không hề có thêm ba phím đầu tiên, mục đích ban đầu chắc hẳn không nằm ngoài ý đồ phỏng theo âm thanh trầm, đục, u buồn của tiếng hát… Nhiều cách xử lý của điệu cũng chính là của hơi (chỉ ra cội nguồn phỏng theo tiếng hát). Các nốt rung, nhấn, tô điểm, thêu thùa… ở nhạc cụ (cổ truyền) hầu như đều có liên quan đến tiếng hát…
Cây đàn quốc hồn quốc túy của người Việt, đàn bầu, chính là bằng chứng sống động cho một dân tộc ưa ca hát. Đàn bầu được làm ra rõ ràng nhằm thỏa màn nhu cầu có thể hát bằng đàn của người dân nước ta. Những âm thanh luyến láy, mượt mà… của đàn bầu phỏng theo giọng hát không khỏi làm xao xuyến lòng người. Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài “Đất nước đàn bầu” đã tìm thấy “căn duyên” của người Việt qua thuộc tính của cây đàn bầu. Tại sao không phải nhạc cụ gì khác tượng trưng cho người Việt mà lại là đàn bầu? Có lẽ, vì nó xuất phát từ cội nguồn của tiếng hát!
Từ cổ chí kim, nhạc hát bao trùm lên các sinh hoạt âm nhạc từ dân gian đến chuyên nghiệp, từ chốn thế tục vào môi trường tôn giáo, tín ngưỡng… Nhiều người trong giới âm nhạc thống nhất nhau về quan điểm cho rằng, sự hình thành của nền âm nhạc người Việt, đặc biệt là nhạc hát có cội nguồn ngôn ngữ. Nói cách khác, những đặc điểm trong ngôn ngữ tiếng Việt đã ảnh hưởng tới sự hình thành của nhạc hát. Tiếng Viết có tới sáu thanh, huyền, sắc, nặng, hỏi ngã và thanh không. Sáu thanh này làm nên tính chất phong phú về cao độ trong việc trình bày các tác phẩm âm nhạc. Trong bài thơ “Tiếng Việt” của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết những câu thơ thể hiện đặc điểm đa thanh của ngôn ngữ nước ta hết sức tinh tế với: “Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh. Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy. Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn. Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối. Tiếng heo may gợi nhớ những con đường…”. Có thể nói, mọi âm sắc, thanh điệu của tiếng Việt đều đổ về những thang âm, cung bậc của tình cảm. Biểu cảm trở thành đặc trưng cơ bản trong ngôn ngữ tiếng Việt. Nó khiến cho tiếng nói gần với tiếng hát, tiếng đàn gần như tiếng hát.
Nhạc đàn của ta, nếu nhìn từ góc độ cội nguồn truyền thống đã ra đời từ nhạc hát. Nhạc đàn và nhạc hát giống nhau như hình với bóng. Sau khi hình thành trên những đặc điểm của ngôn ngữ, nhạc hát tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhạc đàn. Nhạc đàn trở thành “hình”, còn nhạc hát chính là bóng của nó. Người nghe thông qua “hình” nhạc đàn để đi tìm cái “bóng” nhạc hát lẩn vào bên trong dạng thức mới. Bởi vậy, trong rất nhiều chủng loại nhạc cụ bản địa, Việt hóa, cũng như du nhập từ nhiều nguồn gốc khác nhau, hình bóng của nhạc hát luôn in đậm trong tác phẩm âm nhạc, từ cách thức thể hiện, diễn tấu cho đến tư duy sáng tác, thưởng thức… Trong khuynh hướng phát triển đa dạng nhiều loại hình ca hát, nhạc đàn dường như lúc nào cũng xoay quanh nhạc hát, không thoát khỏi nhạc hát. Ở châu Âu, tới thời kỳ Barocque, nhạc kịch phát triển tới đỉnh cao, đồng thời tạo ra thế phân lập giữa nhạc hát và nhạc đàn. Nhạc đàn từ đó trở thành dòng chảy độc lập, mãnh liệt, liên tục thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nhạc hát. Trong khi đó, sự loay hoay, luẩn quẩn của nhạc đàn Việt Nam rõ ràng vẫn chưa tìm thấy chỗ đứng thực sự vững chắc trong văn hóa. So với nhiều nhạc cụ trưng bày ở Viện bảo tàng, Phòng trưng bày, cộng thêm những nhạc khí dân tộc ít người, nhạc cụ cải biên, nhạc cụ du nhập đã được Việt hóa, thì ngoài chốn dân gian, xã hội nông thôn cũng như đô thị, nhạc hát vẫn là cõi trời bao la. Dân ta tựu chung vẫn thích nghe hát hơn nghe đàn. Số người thích nghe hát bao giờ cũng áp đảo hơn so với nghe đàn. Vì, như đã đề cập, nhạc đàn bắt nguồn từ nhạc hát, (điều đó chưa quan trọng) và quan trọng hơn, nó chi phối nhạc đàn, thấm sâu, thẩm thấu vào tư duy sáng tác của người viết, thưởng thức âm nhạc.
Lâu nay, những tác phẩm nhạc đàn ưa chuộng thường là những bản nhạc hát được chuyển soạn. Với cách thức chuyển hóa như vậy, phương thức tiếp cận, thưởng thức nhạc đàn thực chất đã thông qua lăng kính của nhạc hát. Nó chẳng khác nào “Những bài ca không lời” mà người nghe tự điền thêm lời ca vào tác phẩm để hoàn tất chu trình sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật. Các giai đoạn trên hòa quyện vào nhau (giống như tính tổng hợp trong nghệ thuật dân gian) với vai trò tham gia của người thưởng thức trong việc định dạng tính chất tác phẩm. Ngay tại các trường Nhạc viện, chưa kể bộ phận nhạc cụ cổ truyền, kể cả nhạc cụ phương Tây diễn tấu bài Việt Nam đại đa số đều là nhạc chuyển soạn, hiểu là những tác phẩm vốn dành cho thanh nhạc được viết lại theo cách thức cải biên cho nhạc cụ diễn tấu. Loại tác phẩm này hầu hết không phải do nhạc sĩ chuyên nghiệp giống như ở châu Âu vào thời kỳ Barocque, Cổ điển, Lãng mãn hay Ấn tượng… xuất hiện với nhiều tên tuổi tiêu biểu, mà chủ yếu là tác phẩm chuyển soạn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người biểu diễn nhạc cụ. Vấn đề không nằm ở chỗ phân biệt và càng không có sự kỳ thị giữa người biểu diễn, người làm công tác giảng dạy hay nghiên cứu… sáng tác, mà điểm cần nhấn mạnh ở đây là tư duy sáng tác. Nếu xuất thân từ giới sáng tác, người chuyển soạn đương nhiên chú trọng tới cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ thể loại, đặc biệt là tư duy sáng tác (bằng nhạc đàn, chứ không phải nhạc hát). Còn người sáng tác xuất thân từ nghệ sĩ biểu diễn, rõ ràng và thực tế cho thấy, sở trường về kỹ năng diễn tấu nhạc cụ của họ đã đi vào bút pháp sáng tác, cách thức chuyển soạn tác phẩm. Chẳng phải ngẫu nhiên, rất nhiều tác phẩm chuyển soạn cho nhạc cụ diễn tấu đều viết bằng hình thức Biến tấu. Chúng ta biết, Biến tấu là một trong những hình thức âm nhạc được viết dựa trên những thay đổi về cách thức tô điểm (từ tiết tấu, tốc độ, cường độ, âm sắc đến hòa thanh, điệu tính…) cho giai điệu đóng vai trò làm chủ đề. Hình thức Biến tấu với những đặc trưng của mình hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu hát bằng đàn hay đàn thay hát xét về mặt tập quán văn hóa. Điều này rất phù hợp với tư duy thẩm mỹ của người Việt trong việc tiếp xúc với nghệ thuật diễn tấu nhạc cụ cổ truyền. Lối tô điểm, chân phương hoa lá, hòa tấu bè tòng… nhằm trang sức cho giai điệu cộng tồn được cả hai dạng thức nhạc hát và nhạc đàn, trong hát có đàn, trong đàn có hát. Nếu không có sự hiện diện của người hát trong hình thức diễn tấu cũng đã xuất hiện giai điệu của bài hát thông qua hình thức mới. Trên cơ sở của những thay đổi về kỹ thuật dựa trên tính năng diễn tấu của từng nhạc cụ, hình thức Biến tấu ngẫu nhiên phù hợp, thậm chí thuộc về sở trường của người trình diễn nhạc cụ. Nói cách khác, người biểu diễn nhạc cụ có điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa các thủ pháp kỹ thuật mà mình sở trường. Ở nước ta, hiện tượng nhiều nhạc sĩ hạn chế về khả năng diễn tấu nhạc cụ thêm một chiều kích khác tạo không gian và điều kiện cho người biểu diễn thay thế công việc của người sáng tác (chuyển soạn). Giải pháp này khá hữu hiệu nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu thốn tác phẩm nhạc đàn (hay của) Việt Nam. Thật khó thể chờ đợi sớm có một đội ngũ nhạc sĩ giỏi cả nhạc cụ lẫn sáng tác như lịch sử âm nhạc thế giới từng ghi nhận. Càng khó thể mong muốn có được sự thay đổi nhanh chóng trên nền tảng của tập quán văn hóa thưởng thức nhạc đàn bằng tư duy nhạc hát. Trên thực tế, không có khả năng phân cực cho sự lựa chọn, mà chỉ có cách điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp giữa ranh giới mong manh của nghệ thuật và thói quen văn hóa. Chuyển soạn tác phẩm dành cho nhạc cụ một mặt đã bổ sung thêm số lượng bài bản dành cho nhạc đàn, mặt khác cũng phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người nghe. Có điều, chuyển soạn, nói rộng ra là sáng tác cho nhạc đàn vốn đi kèm với hệ thống kỹ pháp hết sức phong phú, từ thủ pháp, bút pháp đến kỹ pháp, vượt lên trên hết là tư duy sáng tác. Nó chẳng hề giới hạn ở việc trình bày tác phẩm ấy trên nhạc cụ gì bằng sự chuyển tải, thay đổi những thủ pháp thuần túy kỹ thuật. Nếu chúng ta sa lầy vào việc phô diễn kỹ thuật, tác phẩm nhạc đàn khó thể đi xa hơn việc “diễn ca” bằng đàn của nhạc hát. Thiếu tư duy sáng tác, bút pháp, thủ pháp hay kỹ pháp chỉ là những công cụ vô tính, khó thể góp phần xác lập được vị trí của nhạc đàn trong đời sống âm nhạc. Thói quen bản thân nó chưa tự khẳng định được thuộc tính tốt hay xấu. Xét về tư duy âm nhạc, cần có lắm sự khu biệt giữa nhạc hát và nhạc đàn!
Dưới tôn chỉ không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới, chúng ta không khỏi chạnh lòng về cảnh tù túng, ảm đảm trên con đường thiên lý dẫn tới ngôi đền nghệ thuật tôn thờ vẻ đẹp độc đáo của nền âm nhạc nước nhà. Tình cảnh quạnh hưu, nhiều về lượng, kém về chủng loại không chỉ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà quan trọng là trong những nguyên nhân ấy xuất phát từ cơ tầng văn hóa truyền thống.
Người Trung Hoa thường quan niệm, tay và tim có liên quan đến nhau. Đối với người Việt, “mồm miệng đỡ chân tay”! Liên hệ tới nghệ thuật thanh nhạc và khí nhạc, chúng ta thấy rất rõ rằng hiện tượng, đàn hay không bằng hát hay. Bởi vậy, từ quá khứ tới hiện tại, đa số các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc đều là ca sĩ, từ Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu, Phùng Há, Kim Cương, Thanh Kim Huệ cho đến …Thanh Lam, Bằng Kiều, Thùy Dung, Phạm Thị Huệ… Mặc dù, trong số họ có rất nhiều người xuất thân từ dân đàn, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến điều ấy. Vì, tiếng hát đã át tiếng đàn mất rồi. Nền khí nhạc của ta mặc dù đã có nhiều thay đổi từ thuở ra đời bản giao hưởng “Quê hương” của nhạc sĩ Hoàng Việt. Nhiều tác phẩm nhạc đàn của Nguyễn Thiện Đạo, Cung Tiến, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Lân Tuất, Vũ Nhật Tân … đã vắng bóng hình hài của nhạc hát, mặc dù vẫn có hát. Song, đối với những tác phẩm sáng tác bằng tư duy khí nhạc dường như ít có khả năng thâm nhập môi trường văn hóa so với loại viết theo tư duy nhạc hát. Những tác phẩm khí nhạc thuần túy cùng lắm chỉ biết đến trong “tháp ngà” của những học viện âm nhạc, còn không mảy may lọt ra ngoài chốn dân gian, môi trường đại chúng. Giao hưởng “Quê hương” của nhạc sĩ Hoàng Việt sở dĩ đóng vai trò đặt nền móng cho nền khí nhạc, là vì nó tiếp nối được truyền thống yêu thích ca hát của dân tộc.
Tư duy sáng tác của đại đa số nhạc sĩ Việt Nam hiện vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của văn hóa thanh nhạc. Cả một thế kỷ du nhập thêm nhiều loại hình âm nhạc nước ngoài, các trường nhạc mở nhiều khoa đàn hơn khoa hát, song nghệ thuật ca hát của xã hội chúng ta vẫn đóng vai trò chủ đạo. Các chương trình giao lưu trực tuyến trên Sóng phát thanh, Đài truyền hình đều liên quan tới ca hát, chứ không hề mảy may đụng chạm tới đàn. Nhạc đàn không ít nhiều có khuynh hướng phát triển theo lối khép kín, thậm chí chi phối bởi nghệ thuật ca hát. Không biết bao nhiêu nghệ sĩ xuất thân từ dân đàn, nhưng hành nghề liên quan, hay không còn con đường nào khác kết hợp với giọng hát. Các trường Nhạc viện, Học viện… đào tạo nghệ sĩ biểu diễn, sáng tác nhạc đàn, song phần đông sau khi ra trường ngẫu nhiên trở thành người đệm đàn, khá hơn là phối khí cho dàn nhạc (nhẹ phục vụ cho nhu cầu ca hát), nếu có sáng tác cũng không qua nổi chướng ngại của ca khúc (tác phẩm thanh nhạc). Bởi thế, sau khi thị trường tác động vào công tác đào tạo (xóa bỏ cơ chế bao cấp, tuyển sinh theo chỉ tiêu), sinh viên thanh nhạc trong các nhạc viện chiếm số đông, còn nhiều nhạc khí, đặc biệt khó học, kén người nghe, như violon, kèn, harp, nhạc cụ dân tộc (trừ đàn tranh) luôn khan hiếm học sinh. Lâu nay đã có nhiều người phàn nàn về tình trạng suy dinh dưỡng trong món ăn tinh thần của người Việt, mặc dù món ăn vật chất đã phong phú, đa dạng lên nhiều. Căn bệnh dư cân, béo phì ngày một phổ biến ở các đô thị lớn, nhưng bệnh “suy dinh dưỡng, còi cọc” về nghệ thuật vẫn chẳng suy giảm. Điều này chỉ ra hiện trạng bất túc của nền văn hóa từ truyền thống đến hiện đại. Nhìn vào thực tế cũng như cội nguồn sâu xa, chúng ta sẽ hiểu, thông cảm rằng tại sao dân ta mê ca hát đến thế!
LÊ HẢI ĐĂNG (VNMUSIC)

TỪ ĐÓ EM BUỒN

Lâm Trực sư tầm trên Net

Không rõ cái tên nhạc vàng có từ bao giờ và tại sao nó lại mang cái tên đó, chỉ biết rằng cho đến bây giờ nó vẫn phải mang kèm theo một mặc cảm rằng đó là một thứ âm nhạc không được tử tế. Còn các nhà quản lý thì sẵn sàng cho phép biểu diễn đủ các loại nhạc rác, Á không ra Á, Tàu không ra Tàu, làm ô nhiễm cả một nền âm nhạc và tâm hồn thế hệ trẻ, nhưng mặt khác vẫn chưa có một cách cư xử công bằng và hợp lý hơn với một dòng nhạc vốn đã từng có một thời hoàng kim với rất nhiều tác phẩm đi vào lòng người, đã từng giành được nhiều cảm tình từ một lượng người nghe đông đảo.
Bỏ qua những điều dễ gây bực bội trên đây, tôi muốn nói về một trong những bài hát đã ghi vào lòng từ lâu lắm, bài hát “Từ đó em buồn” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng riêng tôi thích nhất khi nghe giọng hát rất truyền cảm của ca sĩ Hương Lan.

Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn và lớn lên tại đây cho đến khi sang Pháp vào năm 1978. Cô là con cả trong một gia đình có 5 người con. Mới 5 tuổi, Hương Lan đã lên sân khấu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Nghệ danh Hương Lan được đặt từ tên của Út Bạch Lan và Thanh Hương – hai người được phụ thân Hương Lan hâm mộ.
Hương Lan lập gia đình với Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, vv… Vợ chồng Hương Lan – Chi Tâm sang Pháp vào năm 1978 với con trai đầu lòng tên Henri Dương Bảo Nhi để bắt đầu đi vào một giai đoạn mới trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật…
Năm 1984, Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình video Paris By Night với nhạc phẩm Ngày về của Hoàng Giác. Rồi tiếp đó là những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Chiếc áo bà ba, Điệu buồn phương Nam …
Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ để tiến hành thủ tục cư trú  và đến năm sau, cô được chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ cùng với 2 con trai.
Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My. Nhưng Hương Lan đã gặp nhiều khó khăn vì không được cơ quan thẩm quyền về văn hoá trong nước cho phép trình diễn trước khán giả, ngoài việc cho phép cô thu băng đĩa hoặc video. Mãi đến năm 1996, Hương Lan mới được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà. Sau khi trở ra hải ngoại, Hương Lan lại phải đương đầu với những sự khó khăn khác, đó là sự chống đối mạnh mẽ quyết định về hát tại Việt Nam của cô.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, hay còn được biết đến với một cái tên khác là ca sĩ Nhật Trường, cũng là một người rất nổi tiếng nên chắc không cần nói nhiều về ông. Chỉ nói qua rằng ông sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát trau chuốt của ông được giới yêu nhạc Sài Gòn yêu mến.
Hai chủ đề lớn trong sáng tác của ông là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông thường không có thù hận, gay gắt hoặc kích động, thúc quân hoặc u uất, bi thảm mà nhạc của ông thường trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.
Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Tới năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Trần Thiện Thanh từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù trong những năm ít xuất hiện trên sân khấu, ông vẫn soạn nhạc.
Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết duyên với nữ ca sĩ Mỹ Lan.
Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam do bệnh ung thư phổi.
Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là … ngày dài”.
Bài hát “Từ đó em buồn” được Trần Thiện Thanh sáng tác vào khoảng đầu những năm 1960’s. Giống như các bài hát khác của ông, bài hát này không hàm chứa hận thù hay kích động mà chỉ nói về nỗi đau khổ của một người vợ mòn mỏi trong đằng đẵng nhớ, mong và cuối cùng là mất chồng. Dù không quá bi lụy hay u uất, song khi nghe, người ta vẫn cảm thấy một nỗi đau âm ỉ nhói sâu trong lòng hòa cùng với nỗi đau khổ tuyệt vọng của những người vợ – những phụ nữ vốn dĩ mong được chồng nâng đỡ, che chở, như tạo hóa muốn sinh ra như thế …
Ra đời vào những năm 60’s, bài hát này nói về tình cảnh của một số người vợ có chồng đi tập kết với lời hẹn đoàn tụ sau 2 năm theo hiệp định Geneva “Tạ từ anh hứa đến trọn hai mùa xuân sẽ về nối lời thề”. Tuy nhiên vì nhiều lý do, có khá nhiều người vẫn muốn tin rằng bài hát này là để nói về những người vợ lính VNCH sau năm 1975.
Nhưng dù cho những người chồng ở về phía bên nào thì những người vợ cũng vẫn là những người phụ nữ VN, với những nỗi đớn đau và bất hạnh giống nhau. Vì chẳng có ai sinh ra là để chịu đau khổ, mất mát, hay để hy sinh. Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng khi nào thì không còn cái lúc mà “Từ đó em buồn”? 

Britain’s Got Talent

Show này bắt đầu khởi động được 2 episode nhưng A xem qua qua episode 2 không có gì đặc biệt lắm. Có 2 act ở tập đầu A thấy hay mời các bạn xem.

Act 1: Cậu bé 17 tuổi hát Opera. Dạo này ngày càng nhiều các bạn thi talent hát Opera, không biết có phải mốt không. Kể ra đúng như thằng cha Simon nhận xét là giá cậu này thi 1 mình thì khả năng WOW khán giả sẽ lớn hơn thật. 


1 điều nữa phải công nhận là bọn khoai tây dựng băng rất giỏi, chúng nó touch được những cái rất moi tiền và nước mắt của khán giả.


YouTube Video


Act2: Cậu bé 19 tuổi, gia đình nông dân, chưa có bạn gái cover lại “To make you feel my love”. A thấy hát rất cảm xúc


YouTube Video